Dân văn phòng chớ xem thường hội chứng ống cổ tay

Nếu bạn cảm thấy tê, ngứa, đau hoặc yếu tay, đặc biệt là ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome)

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép. Thần kinh giữa đi xuống bàn tay qua ống
cổ tay. Dây thần kinh này sẽ “trở bệnh” khi bạn có các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần ở cổ tay, bàn tay.

AI DỄ MẮC BỆNH?

Hội chứng ống cổ tay có thể xem là một loại bệnh nghề nghiệp. Người dễ mắc bệnh này là những người làm công việc đòi hỏi cổ tay, bàn tay vận động lặp đi lặp lại nhiều lần. Điển hình là dân văn phòng làm việc liên tục với máy tính; nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia, người làm công việc thu ngân; thợ mộc, vận động viên bóng bàn hoặc người thường xuyên lái xe…

Ai cũng có thể mắc hội chứng ống cổ tay. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới. Phái đẹp dễ mắc nhất là phụ nữ có thai; phụ nữ mãn kinh, người đang dùng thuốc tránh thai. Hoặc những người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường; suy thận, suy giáp, béo phì…

DẤU HIỆU SỚM CỦA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY

Thông thường, các triệu chứng bắt đầu từ từ, với cảm giác nóng rát, tê, ngứa ran hoặc đau. Bạn có thể thấy cảm thấy điều đó đang diễn ra trong ngón tay cái hoặc bất kỳ ngón tay nào. Cảm giác kỳ lạ này cũng có thể di chuyển lên cẳng tay đến vai của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy ngón tay có vẻ sưng lên.

Các triệu chứng thường bắt đầu vào ban đêm vì hầu hết mọi người ngủ với cổ tay cong; gây áp lực lên dây thần kinh giữa. Khi tình trạng bệnh nặng hơn, cảm giác đau xuất hiện trong suốt cả ngày. Đặc biệt là khi bạn làm việc gì đó mà cổ tay bị cong trong thời gian dài như lái xe, cầm điện thoại, cầm sách, báo…

Khi hội chứng ống cổ tay trở nên nghiêm trọng; sức mạnh cầm nắm của bạn cũng giảm đi vì các cơ trong tay co lại. Đau và chuột rút cũng sẽ tồi tệ hơn.

ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC KHÔNG?

hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay rất hay gặp trong thực tế lâm sàng. Bệnh chẩn đoán đơn giản, nhanh gọn bằng các xét nghiệm. Nó không gây nguy hiểm, phục hồi dễ dàng nếu bạn phát hiện và điều trị sớm.

Tuy nhiên, nếu để muộn, bạn có thể bị teo cơ, hạn chế vận động bàn tay. Khả năng cầm, nắm, chụm lại của tay bị ảnh hưởng. Bạn có thể đánh rơi đồ thường xuyên hơn, khó khăn khi làm việc với các vật nhỏ; chẳng hạn như cài nút áo, mất cảm giác ở các ngón tay.

Tuỳ mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có giải pháp phù hợp. Việc điều trị thường là yêu cầu bệnh nhân tránh các cử động lặp lại nhiều lần ở cổ tay.

Phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi bạn thay đổi công việc; thay đổi thói quen giúp
giảm áp lực lên tay.

Trường hợp không thể hạn chế, bạn sẽ phải dùng nẹp cổ tay. Khi thấy teo cơ gò cái, hay tê nặng ảnh hưởng công việc, bác sĩ sẽ chọn giải pháp phẫu thuật nhằm giải phóng dây thần kinh giữa, giảm áp lực trong ống cổ tay.

Bác sĩ sẽ điều trị bằng các thuốc kháng viêm không steroid, các corticosteroid tiêm tại chỗ, để làm giảm hiện tượng viêm của các gân gấp trong ống cổ tay và các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh như vitamin B, Nivalin.

DỰ PHÒNG THẾ NÀO?

Tin tốt là có rất nhiều cách để bạn ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay hoặc giảm các triệu chứng khó chịu khi đã mắc hội chứng ống cổ tay này.

Hãy nhẹ nhàng với đôi tay quý giá của bạn. Trong thói quen hàng ngày, bạn đã quen với việc làm mọi thứ theo cách nhất định mà bạn không hề nghĩ về nó.

Nhiều lần, bạn có thể sử dụng nhiều lực hơn mức cần thiết để hoàn thành công việc. Chẳng hạn, bạn có thể nắm quá chặt vật gì đó khi không cần thiết. Bạn có thể gõ bàn phím quá mạnh trong khi chữ vẫn có thể “chạy” ra nếu bạn gõ nhẹ nhàng. Bây giờ, bạn hãy nghĩ về những thói quen đó và chủ động phân bố lực nhẹ nhàng hơn để giảm căng thẳng, áp lực cho đôi tay.

Cho bản thân nghỉ ngơi 10 phút sau mỗi giờ làm việc là lý tưởng cho sức khoẻ và cho cả đôi tay. Hãy bước ra khỏi công việc, tập thể dục nhẹ nhàng, uốn cong, duối tay để thư giãn cho đôi tay, nhất là khi đôi tay bạn phải tiếp xúc với các công cụ rung hoặc phải chịu quá nhiều áp lực.

Vào những lúc giải lao hoặc ngay tại bàn làm việc, bạn có thể thực hiện bài tập thể dục nhẹ nhàng cho đôi tay. Nắm tay lại rồi duỗi ngón tay ra hết sức. Lặp đi lặp lại động tác đó từ 5–10 lần.

Tư thế ngồi khoa học. Bạn nên thiết kế ghế ngồi vừa tầm, mông cao hơn gối, lưng thẳng hay hơi ngả ra sau, tựa thắt lưng vào lưng ghế. Bàn phím nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay.

MÁCH BẠN

Các bài tập trượt gân sẽ giúp tăng tuần hoàn của bàn tay và cổ tay. Từ đó giảm phù, kích thích các mô mềm (cơ, dây chằng, gân) khỏe hơn:

  • Nắm tay lại rồi duỗi ngón tay ra hết sức. Lặp đi lặp lại động tác đó từ 5–10 lần.
  • Tăng cường sức nắm, bằng cách nắm chặt một quả banh tennis, rồi sau đó lại thả ra.
  • Thực hiện đều đặn các động tác 3–4 lần mỗi ngày để cổ tay linh hoạt hơn.

Bài: Đình An
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua