Mô hình độc đáo với những thông tin vắn tắt, ngắn gọn về tên tuổi, quê quán và công lao đóng góp của những anh hùng, danh nhân bắt nguồn từ những cựu chiến binh trong Hội.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P. An Sơn, ông Phạm Công Chức là người đầu tiên khởi xướng ý tưởng. Ông bảo rằng, trong một lần tình cờ cùng ban quản lý đô thị đi khảo sát vệ sinh môi trường tại phường, một người nhìn vào bảng tên đường lạ hoắc gắn trên trục rồi hỏi ông về thân thế nhân vật. Quá đột ngột, chưa tìm hiểu nên ông xin khất lại câu trả lời. Câu chuyện đó làm ông nảy ra ý tưởng thực hiện mô hình này, giúp người dân học sử Việt qua những bảng thuyết minh.
Ông đưa ý tưởng ra bàn với các cựu chiến binh trong hội và nhận được sự đồng lòng của mọi người. Sau ba tháng đệ đơn trình lên các cấp chính quyền, bày tỏ ý tưởng và nguyện vọng của các cựu chiến binh, lãnh đạo TP. Tam Kỳ đã đồng thuận và đưa vào triển khai.
Được biết, kinh phi để làm mô hình này chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng và khối 6 là nơi đầu tiên áp dụng.
Hiện có 38 bảng thuyết minh đặt trên 11 tuyến đường ở khối 6, giúp người dân, học sinh hiểu được những đóng góp của người đi trước. Bảng thuyết minh trích dẫn những thông tin chính yếu về tiểu sử nhân vật, ngày sinh, ngày mất, quê quán, vai trò của họ trong từng cột mốc lịch sử.
Thiết nghĩ, đây là cách học sử Việt dễ dàng nhất cho tất cả mọi người và cần nhân rộng mô hình này ra cả nước.
Bài: Uyên Đoàn
Tiếp Thị Gia Đình