Hoàng Thị Minh Hồng “mang nợ” với thiên nhiên

Nhiều người coi những điều Hoàng Thị Minh Hồng làm là viễn vông vào thời điểm cách đây hơn 20 năm, nhưng chị lại cảm thấy bản thân “mang nợ” với thiên nhiên và cần phải làm gì đó để “trả nợ”

Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường người Việt Nam. Năm 2019, tạp chí Forbes đã bình chọn chị là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được lựa chọn để đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997; và cũng là người Việt đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Columbia.

Hiện tại, chị Minh Hồng là giám đốc, người sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE; một tổ chức cổ vũ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường trong giới trẻ. Trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa và ô nhiễm tại Việt Nam; chị được mệnh danh là nữ “anh hùng khí hậu”.

Cảm thấy “mang nợ” với thiên nhiên

Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Hoàng Thị Minh Hồng đặt chân đến Nam Cực năm 1997. Khi ấy, chị mới 24 tuổi. Sau những phút giây tự hào một miền đất đã được chinh phục; chị bỗng giật mình bởi nhiều phần băng đã bắt đầu tan chảy. Nó thật khác so với những gì đã hiểu về Nam Cực là một khu vực quanh năm đóng băng. Chị bắt đầu biết thế nào là biến đổi khí hậu.

Chuyến đi đó đã thật sự thay đổi nhận thức, suy nghĩ của chị; về môi trường và trách nhiệm của mỗi người. Chị muốn làm một điều gì đó để trả ơn đời. Và rồi chị quyết định nghỉ việc – một công việc thu nhập khá cao tại một tờ báo tiếng Anh tên tuổi; để theo đuổi một đam mê. Đó là môi trường. Chị dành hết tâm trí cho việc làm sao truyền đi thông điệp trái đất đang nóng lên; băng bắt đầu tan… cho càng nhiều người biết càng tốt.

Lúc bấy giờ, tại Việt Nam chưa có tổ chức phi chính phủ về môi trường. Do đó, chị Minh Hồng gặp nhiều khó khăn trong việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Chỉ đến năm 2002, khi làm việc cho Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) khu vực Mê Kông; chị mới thật sự được tập huấn, được học đúng nghĩa về các chương trình môi trường; được làm việc thực sự về môi trường, thiên nhiên.

Ít ai biết, năm 2009, Minh Hồng chính là người đề xuất lãnh đạo WWF khu vực Mê Kông; đưa chương trình Giờ Trái đất (do WWF phát động ở Úc năm 2007) về tổ chức tại Việt Nam. Giờ đây, hoạt động này đã trở thành một trong những sự kiện môi trường thường niên; nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân cả nước.

Nhiều người coi những điều chị làm là viễn vông vào thời điểm đó; nhưng chị lại cảm thấy bản thân như “mang nợ” với thiên nhiên.

Thành lập tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực môi trường

Năm 2009, chị Minh Hồng trở lại Nam Cực trong chuyến thám hiểm mang tên “Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực”. Chuyến đi này, trưởng đoàn Robert Swan cho biết trong hơn một thập kỷ qua; nhiệt độ tại Tây Nam Cực tăng lên rất nhanh. Băng tan nhiều, nguy cơ nước biển dâng trên toàn cầu ngày một trầm trọng. Những quốc gia có vùng bờ biển thấp như Việt Nam; sẽ phải chịu hậu quả đầu tiên.

Trong khi Minh Hồng say sưa chụp những tảng băng trôi; ông Robert Swan đã đến bên cạnh và hỏi: “Cô có biết vì sao lần này cô chụp được nhiều ảnh đẹp hơn hồi năm 1997 không? Vì băng tan nhiều, nên có nhiều khối băng đẹp thế này để chụp ảnh. Tốt cho ngành nhiếp ảnh, nhưng không hề tốt cho thế giới này”.
Hoàng Thị Minh Hồng

Sau câu nói đó, chị Minh Hồng nhận ra các dự án về biến đổi khí hậu của mình không nên chỉ dừng lại ở nhận thức nữa; mà phải hướng tới hành động, hướng tới giải pháp. Trở về sau chuyến thám hiểm đó; chị khao khát muốn xây dựng một tổ chức của riêng mình. Mục đích để triển khai những dự án có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Sau hàng loạt dự án hành động vì môi trường, thu hút được hàng ngàn người tham gia; năm 2013, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển CHANGE chính thức có giấy phép hoạt động; trở thành một tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường tại Việt Nam.

Sứ mệnh mà tổ chức CHANGE mang trên mình là xây dựng các chương trình dự án; và huy động các nguồn lực nhằm nâng cao nhận thức; thay đổi hành vi và phát triển năng lực cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường; biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. CHANGE tập trung vào biến đổi khí hậu; động vật hoang dã và phát triển bền vững.

Thay đổi nhận thức và bắt tay hành động

5 năm sau khi ra đời, CHANGE gắn với nhiều dự án bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể là những chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”; “Cứu tê tê”, và “Nói không với ngà voi”; đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những loài vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu; mà lại đang bị tiêu thụ một cách trái phép tại Việt Nam.

Dự án sôi động nhất gần đây của CHANGE là chiến dịch iCHANGE – Tôi Thay đổi. iCHANGE kêu gọi mỗi cá nhân tự thay đổi thói quen không thân thiện với môi trường; như dùng quá nhiều đồ nhựa dùng một lần, lãng phí đồ ăn, lãng phí điện, nước. CHANGE hướng tới tương lai về một “Việt Nam xanh sạch được bảo vệ bởi tất cả người dân”.

Ngoài ra, chị Minh Hồng cũng có những kế hoạch tham vọng hơn. Đó là dự định sẽ thuyết phục các hãng hàng không không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần trên máy bay; thuyết phục các công ty lớn xây dựng “văn phòng không nhựa”; các chuỗi cà phê, nhà hàng lớn không dùng ly, ống hút nhựa nữa… Và tất nhiên là một mình CHANGE lẻ loi không thể làm được ở tất cả tỉnh thành.

Một vài cá nhân hành động vì môi trường; khó đạt kết quả và không duy trì lâu dài. Nhưng cả một tập thể, cả một cộng đồng cùng liên kết hành động sẽ đem lại những kết quả rất to lớn, dài lâu. Chính vì vậy, CHANGE đã tổ chức các Trại Thủ lĩnh khí hậu; đào tạo mỗi khóa 35 bạn trẻ đến từ nhiều địa phương trên cả nước. Đây là những “hạt nhân” để xây dựng các dự án môi trường và tập hợp; kêu gọi cộng đồng cùng tham dự.

Hoàng Thị Minh Hồng; Hoàng Thị Minh Hồng CHANGE, nữ anh hùng Hoàng Thị Minh Hồng; anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng

Thông tin thêm

Hoàng Thị Minh Hồng được climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero) bởi có rất nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu do giới trẻ điều hành tại Việt Nam.

Các hoạt động cộng đồng của CHANGE được cập nhật tại www.changevn.org

Chị là một trong 12 lãnh đạo dân sự từ 12 quốc gia đang tham gia Chương trình Học giả Quỹ Obama (Obama Foundation Scholars Program) khóa đầu tiên tại trường đại học Columbia tại New York (Mỹ).

Chương trình kéo dài 9 tháng rưỡi này có mục tiêu tiêu nâng cao năng lực cho các lãnh đạo dân sự này, vốn đã có nhiều đóng góp cho các vấn đề xã hội ở các quốc gia. Nhờ đó họ có thêm kiến thức, công cụ và được kết nối với các mạng lưới đối tác, giúp họ làm việc hiệu quả hơn trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi.

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua