Hồ Hoàng Khánh Vy: Đừng làm truyền thông nếu không có đam mê

“Truyền thông là một công việc đầy thử thách với phụ nữ, đòi hỏi sức khỏe phải thật tốt, tâm lý phải thật vững vàng và quan trọng hơn là đòi hỏi sự hy sinh tất cả thời gian cá nhân cho công việc”, giám đốc truyền thông K Media chia sẻ

Giữ vai trò là giám đốc truyền thông của nhiều chương trình truyền hình gây sốt trong thời gian qua, điều mà chị Hồ Hoàng Khánh Vy cảm thấy hài lòng nhất không phải là đã hoàn thành công việc tốt và hiệu quả, mà đó là niềm tự hào khi bên cạnh mình là một ê-kíp rất trẻ và tràn đầy nhiệt huyết. Đối mặt với sự bỡ ngỡ, chưa tự tin khi chào mời các đài truyền hình bằng những format chương trình thuần Việt do ê-kíp sáng tạo, trong khi các đơn vị khác mua lại format nổi tiếng của nước ngoài và đã được khán giả Việt Nam biết đến, Hồ Hoàng Khánh Vy cùng mọi người đã nỗ lực không ngừng, vượt qua được những khó khăn của buổi ban đầu và tạo dựng thương hiệu cho các game show cũng như uy tín cho công ty truyền thông Khang – K Media ngày hôm nay.

– Theo chị đánh giá, sự quan tâm và thu hút khán giả theo dõi game show đến từ đâu? Từ nội dung chương trình đặc sắc hay từ thông điệp “giật tít” gây sự chú ý của truyền thông?
– Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin đến gần với khán giả, cũng như giúp khán giả thuận tiện hơn trong việc chọn lựa chương trình để xem, nhất là trong thời buổi có quá nhiều chương trình giải trí cùng một khung giờ như hiện nay. Đã qua rồi thời kỳ “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi không có… “mùi hương” nào có thể lan xa được đến với nhiều người nếu không có chiến lược truyền thông hiệu quả. Việc tạo sự chú ý cũng là một trong những cách thức của truyền thông, song nếu sa đà sẽ dễ bị phản cảm, phản tác dụng. Mặc dù “muốn thành công phải có truyền thông”, nhưng vai trò quyết định rating, sự yêu thích của khán giả phụ thuộc chính vào chất lượng, mức độ hấp dẫn của chương trình. Thực tế có nhiều game show hiện nay rating tập 1 rất cao nhưng các tập về sau tụt dần. Một trong những nguyên nhân là do truyền thông đã “làm quá” so với chất lượng.

– Truyền thông đôi khi cũng “ma lanh” khi hướng sự chú ý của công chúng rẽ sang một lối khác để khỏa lấp hay xoa dịu một sự việc nào đó không hay hoặc chưa tốt. Là người làm truyền thông, chị nghĩ mình có thể “dắt mũi” dư luận?
– Tôi nghĩ về sự “ma lanh” mà bạn nói theo góc độ tích cực. Là những người làm truyền thông, chúng ta cần tôn trọng sự thật, không nói sai về bản chất của sự việc vì khán giả rất thông minh, không dễ bị “dắt mũi”. Tôi cũng chưa từng có tham vọng này trong gần 10 năm làm báo và truyền thông. Chương trình nào cũng có mặt được và chưa được, nhưng thường người ta sẽ chú ý nhiều hơn vào những khuyết điểm, hạn chế mà ít ghi nhận những mặt tích cực của chương trình. Do vậy tôi nghĩ người làm truyền thông nên hướng dư luận đến những mặt tích cực để khán giả có góc nhìn đa chiều, đầy đủ hơn.

– Không thể phủ nhận sức lan tỏa của các chương trình giải trí do K Media sản xuất, hẳn là chị phải “quần quật” liên tục để hoàn thành công việc?
– Tôi cho rằng là phụ nữ không nên làm truyền thông! Phụ nữ đã có gia đình lại càng không. Ở hầu hết các công ty, thời gian làm việc của nhân viên PR/truyền thông được phép linh động, nhưng thực tế các bạn đều làm việc cả ngày và đêm vì trách nhiệm hơn là vì quy định. Đây cũng là một đặc thù của công việc, bởi hầu hết các show giải trí hiện nay đều phát sóng vào buổi tối và lại thường rơi vào cuối tuần. Chuyện làm việc 24/24 là điều rất bình thường với nhân viên truyền thông. Bên cạnh đặc thù, cường độ công việc, những áp lực trong nghề cũng là một thử thách rất lớn. Tôi nghĩ, các bạn nữ đang làm công việc PR hiện nay phải có một đam mê vô cùng lớn mới có thể duy trì được công việc.

Hồ Hoàng Khánh Vy hình ảnh 1

Hồ Hoàng Khánh Vy cho rằng công việc truyền thông rất đặc thù và áp lực

– Làm một người lãnh đạo, phong cách làm việc của chị như thế nào và chị đánh giá nhân viên của mình theo tiêu chí gì?
– Tôi nhớ cách đây 8 năm, khi mới chập chững làm PR, tôi đã từng bị trưởng phòng của mình đuổi việc vì tôi không tán thành cách làm việc của anh. Sau lần đó, tôi tự nhủ với bản thân rằng bạn có thể bị đuổi việc vì bất kỳ lý do gì, nhưng chỉ có một lý do duy nhất để người ta giữ bạn lại đó là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn đang làm. Và sau này, điều mà tôi muốn nhất ở các bạn nhân viên của mình đó là hãy trân trọng vị trí của mình và hãy làm tốt nhất có thể. Tôi thấy nhiều bạn sinh viên ngành PR mới ra trường hiện nay rất năng động nhưng hầu như lại không quan tâm đến kỹ năng viết lách. Theo tôi, bạn không thể làm truyền thông tốt nếu viết dở.

– Theo kinh nghiệm của chị, để thành công trong ngành truyền thông, cần có những yếu tố nào?
– Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có một cách khác nhau để hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Chưa chắc những gì giúp chúng ta thành công hôm nay sẽ hiệu quả với ngày mai, cho nên tôi nghĩ các bạn trẻ yêu thích ngành truyền thông/PR hãy cứ dấn thân, lăn xả vào với tất cả đam mê và chuẩn bị tốt nhất những kỹ năng cần thiết cho nghề. Lúc đó, mỗi bạn ắt sẽ tự tìm ra được cho mình phương pháp, bí quyết riêng.

– Chị có thấy mình làm việc quá sức không? Có khi nào chị thấy mệt mỏi và muốn buông bỏ?
– Thậm chí tôi đã từng nghỉ việc và hứa sẽ không bao giờ làm PR nhưng không hiểu sao vẫn cứ quay lại với nghề. Thôi thì “lời hứa” này sẽ dành cho con gái sau này của tôi vậy (cười). Dù bình thường rất bận rộn nhưng mỗi khi được nghỉ lễ, nghỉ Tết chừng 2–3 ngày là tôi lại thấy nhớ việc và bứt rứt không chịu được. Thời gian dành cho công việc cũng chính là thời gian tôi cảm thấy vui nhất vì được làm việc mình thích. Dĩ nhiên, đôi khi cơ thể mệt mỏi, cũng cần phải nghỉ ngơi. Nếu stress quá thì tôi vác ba lô lên đi một mình đến một thành phố nào có khí hậu lạnh một chút, còn bình thường thì cũng chỉ đọc truyện tranh, xem phim và cà-phê một mình. Thú vui của tôi nghe có vẻ buồn chán nhỉ? Nghe cũng buồn cười nhưng tôi có ước mơ nhỏ là được đi đến Sapa, Y Tý… nhưng cả 10 năm nay vẫn chưa thể thực hiện được.

– Chị Hồ Hoàng Khánh Vy đã đi một chặng đường để có được vị trí như ngày hôm nay. Nhìn lại những ngày tháng đã qua, có điều gì để chị cho chị sự tiếc nuối không?
– Tôi là người đa cảm, hay suy nghĩ nhiều nhưng lại không có thói quen nuối tiếc cho dù đó là sai lầm của mình. Những gì đã qua, thành công và cả thất bại, mất mát đều là những bài học quý báu. Thậm chí tôi nghĩ thất bại, vấp ngã là cái nên xảy ra để tôi nhìn nhận lại các vấn đề đúng đắn và trưởng thành hơn.

– Ở vị trí “sếp sòng” như hiện tại, chị còn có tham vọng nào khác trong tương lai?
– Ở vị trí nào thì tôi cũng không phải là một người có nhiều tham vọng. Đây là khuyết điểm rất lớn của tôi. Tôi hiểu tham vọng là điều nên có để chúng ta có thêm động lực để phát triển. Nhưng ngay từ thời đi học, tôi đã không có tham vọng gì khủng khiếp cả. Tôi giống như một người lữ hành, thong dong trên con đường của mình. Thành công với tôi đơn giản là có thể tự làm cho mình vui, còn hạnh phúc là khi tôi có thể mang niềm vui đến cho người khác. Tôi đơn giản hơn nhiều so với những gì mà người khác hình dung về mình.

– Cảm ơn chị Hồ Hoàng Khánh Vy đã dành thời gian chia sẻ.

Thông tin thêm
Hồ Hoàng Khánh Vy sinh năm 1982, tốt nghiệp khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM và trở thành phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình Bến Tre.
Hồ Hoàng Khánh Vy là phó phòng PR của công ty BHD từ 2008–2013.
Từ 2014 đến nay, Hồ Hoàng Khánh Vy là giám đốc truyền thông của K Media nổi tiếng với loạt chương trình Cười xuyên Việt, Ngôi sao phương Nam, Tình Bolero…

Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua