Hình phạt dễ thương của cảnh sát giao thông Đà Nẵng

Xử lý vi phạm ngoài mục đích răn đe, còn có một ý nghĩa khác là tuyên truyền, giáo dục. Với các hình phạt dễ thương như của cảnh sát giao thông Đà Nẵng, tin rằng mỗi người dân đều sẽ tự ý thức tuân thủ

Mới đây, từ Fanpage Tôi yêu Đà Nẵng, Thu Tuyết, một bạn nữ sinh năm 1994, kể lại rằng: Vào lúc 16 giờ ngày 1−4, cô và bạn đi ngược chiều từ chợ Bắc Mỹ An đến cầu Tuyên Sơn, thành phố Đà Nẵng thì bị cảnh sát giao thông (CSGT) gọi vào. Cô đã rất lo lắng vì nghĩ rằng mình sẽ bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, các đồng chí CSGT đã áp dụng hình phạt dễ thương mà chính cô cũng không thể tưởng tượng nổi: Chép phạt 20 lần câu “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa”.

Đây không phải là lần đầu tiên CSGT thành phố Đà Nẵng có những hình phạt dễ thương như thế này. Cách đây không lâu, anh Nguyễn Huy Hoàng đậu xe vượt qua vạch dừng đèn đỏ cũng đã hết sức ngỡ ngàng khi nhận được yêu cầu nộp phạt: Mua 50.000 đồng kẹo cao su cho một cụ già, vì nửa ngày ấy cụ chưa bán được hàng.

Chia sẻ về những hình phạt dễ thương của các chiến sĩ CSGT, thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội tham mưu phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ngoài xử phạt bằng biên bản thì một nhiệm vụ quan trọng trong xử lý vi phạm của CSGT là tuyên truyền, phổ biến để người vi phạm hiểu biết pháp luật. Từ chuyện hiểu và “cảm” được vấn đề, người vi phạm sẽ tuyên truyền lại với bạn bè, người thân, ý nghĩa việc làm sẽ càng được nhân rộng”. Tuy nhiên, với những hành vi nguy hiểm như đua xe, chạy quá tốc độ, cố ý vượt đèn đỏ, CSGT Đà Nẵng vẫn kiên quyết xử phạt nghiêm khắc.

Về những hình phạt dễ thương trên thế giới, CSGT Thâm Quyến (Trung Quốc) đã từng bắt người vi phạm vì sử dụng đèn pha ô tô trong thành phố bằng cách phải ngồi trước xe mình và bị rọi đèn pha vào mắt 5 phút. Tương tự, ở thành phố Vũ Hán, CSGT áp dụng hình phạt buộc người vượt đèn đỏ phải dừng ở hiện trường, chờ đến khi có người khác vi phạm mới được rời đi.

Thực tế đã cho thấy, không chỉ có những hình phạt nghiêm khắc mới có giá trị răn đe, mà vấn đề là phải làm sao để người dân hiểu và tự ý thức không vi phạm nữa.

Bài: Hân Thái

Tiếp Thị Gia Đình

Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây

Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.

Đừng bỏ qua