Đối với nhiều người, ăn bốc là không tốt vì có thể dễ dàng nhiễm khuẩn. Song, ở các nước phương Tây, người ta lại khuyến khích việc ăn bốc, đặc biệt là trong giai đoạn ăn giặm. Vì sao vậy?
PHƯƠNG PHÁP ĂN BỐC
Đây là phương pháp ăn giặm được áp dụng phổ biến trên thế giới. Các chuyên gia giải thích, ăn bốc dựa trên sự phát triển hành vi ăn uống thường ngày của trẻ. Các bé có thể tự do lựa chọn món ăn yêu thích và cầm nắm chúng. Việc ăn bốc giúp bé chủ động hơn trong ăn uống và bố mẹ nên tôn trọng sở thích của con nhằm tạo sự hứng thú đối với bữa ăn hàng ngày.
ĐƯỢC NHIỀU HƠN MẤT
Sở dĩ nhiều bà mẹ trên thế giới chọn phương pháp ăn bốc vì nó giúp bé hoàn thiện các kỹ năng sống. Bé sẽ tự chủ được lượng thức ăn khi cho vào miệng, từ đó biết cách lựa chọn thực phẩm theo bản năng của mình.
Các bé biết điều gì tốt cho mình và tự bốc thức ăn cho vào miệng. Nếu thực phẩm quá to và cứng, bé sẽ nhanh chóng nhả ra. Còn thực phẩm mềm và vừa với khoang miệng, bé sẽ nhai thức ăn. Điều đó còn giúp bé cân bằng lượng thức ăn đưa vào miệng, tránh hiện tượng quá tải gây ọc, trào ngược như khi được mẹ đút bằng thìa.
Ngoài ra, ăn bốc còn giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng chủ động hơn. Trẻ sẽ dễ dàng cảm nhận được mùi vị món ăn. Từ đó, bạn có thể quan sát và đánh giá sở thích dựa trên sự lựa chọn món ăn của bé. Đây còn là dịp để bạn giúp con phát huy sự độc lập và tự tin, phát triển cũng như hoàn thiện sự phối hợp giữa mắt, tay, miệng cho bé cơ hội tiếp xúc thực phẩm theo đúng bản năng và giai đoạn phát triển. Bé sẽ háo hức và có cảm hứng với bữa ăn nhiều hơn thay vì bị thúc ép.
THỰC ĐƠN CHO TRẺ ĂN BỐC
Thông thường, phương pháp ăn bốc phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng tùy theo từng giai đoạn mà bạn chuẩn bị thành phần các món ăn.
Với trẻ còn nhỏ, đang ăn giặm:
Bạn chế biến món ăn nhuyễn mịn nhưng ở dạng đặc, không lỏng để bé có thể cầm nắm được. Những thực phẩm phù hợp là các loại rau củ luộc xay nhuyễn mịn như cà-rốt, bí ngô, khoai, sắn… Trong giai đoạn này, bạn có thể cho trẻ uống thêm sữa bên cạnh việc ăn giặm.
Với trẻ lớn hơn một chút:
Bạn cho bé ăn thêm thịt, phô-mai, chả, thịt viên, trứng luộc, trứng rán, rau củ… Khi chế biến, bạn vo viên hoặc tạo hình que để bé dễ cầm. Bạn có thể nêm chút gia vị. Một thành phần quan trọng khác trong bữa ăn của trẻ là tinh bột. Bạn có thể bắt đầu bằng mẩu ruột bánh mì, bánh gạo hoặc bánh quy. Để đổi vị, bạn thay thế bằng nui hoặc mì sợi cắt nhỏ vừa để bé dễ bốc. Bên cạnh đó, để bổ sung vitamin, bạn chuẩn bị thêm trái cây tươi (lê, táo, chuối, xoài…) thái khoanh hay hạt lựu lớn. Lưu ý, bạn không chọn quả có hạt, tròn (cherry, sơ-ri) hay đậu (đậu ván, lạc) vì chúng dễ tuột vào cổ họng khiến bé bị hóc.
LƯU Ý KHI ĂN BỐC
♠ Khi cho bé thực hiện phương pháp ăn bốc, bạn cần đảm bảo rửa tay cho bé. Đồng thời, những vật dụng đi kèm cũng phải vệ sinh sạch sẽ.
♠ Tùy theo độ tuổi, bạn cần cho bé ngồi với tư thế vững vàng nhưng thoải mái khi ăn.
♠ Nếu bé ăn chậm hoặc từ chối món đã chuẩn bị, bạn cũng đừng thúc ép vì đó là phản xạ tự nhiên. Bạn hãy để bé tự cảm nhận hương vị của riêng mình và tiếp cận theo đúng sở thích cá nhân.
Mục Mẹ & Con − Tiếp Thị Gia Đình