Hiệp sỹ đường phố: Những Batman chạy xe ôm

Những hiệp sĩ đường phố khi liều mình bắt cướp có mảy may nghĩ đến vụ án xảy ra ở đường nào, phường gì, quận mấy rồi mới ra tay hay không?

Lúc còn bé, tôi rất mê đọc truyện tranh về những siêu anh hùng xả thân trừ gian diệt bạo; từ anh chàng cao bồi miền Viễn Tây bắn súng nhanh hơn cả cái bóng của mình; cho tới Người Dơi lao như tên bắn trong bóng đêm trên chiếc Batmobile cực ngầu. Họ chiến đấu không hề toan tính hay nghĩ ngợi gì cho lợi ích bản thân. Trong những giấc mơ thời đi học của tôi, tôi đã nhiều lần thấy mình hóa thân thành những nhân vật anh hùng trượng nghĩa như thế.

Khi lớn lên rồi, tôi mới hiểu rằng hiện thực cuộc sống không như mình mơ mộng lúc còn bé. Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ cướp giật ngoài đường phố; nhìn nạn nhân ngã xuống đường còn kẻ xấu phóng xe đi mà mình thì chỉ biết đứng trơ ra nhìn. Trong lòng muốn đuổi theo trừng trị kẻ bất lương nhưng những nỗi sợ khiến đã khiến tôi chôn chân xuống đất. Tôi sợ chạy xe truy đuổi bất cẩn tự gây tai nạn cho chính mình; sợ kẻ cướp có hung khí, sợ bị nhận mặt báo thù liên lụy đến người thân; sợ phải lên công an cho lời khai hoặc thậm chí sợ bị hiểu lầm là kẻ xấu.

Đôi khi tôi cảm thấy càng lớn mình càng vô dụng vì bị trói buộc bởi quá nhiều nỗi sợ hãi khác nhau. Cũng đúng thôi, tôi không có súng như Lucky Luke; không có năng lực siêu nhiên như Người Dơi, Người Nhện; và cũng chẳng có võ công cao cường như những hảo hán Lương Sơn. Chỉ dựa vào lòng can đảm và nghĩa khí không thì không thể nào thắng được những kẻ bất lương có vũ khí; sẵn sàng ra tay dã man dưới tác dụng của ma túy mà chúng sử dụng trước khi đi cướp.

Vậy mà trên mảnh đất Sài Gòn này lại có những người anh hùng thực sự; những người hết sức bình thường như tôi và bạn. Họ không có siêu năng lực, không bảo bối phòng thân; không võ công cái thế. Qua những tấm ảnh chụp trên báo; tôi thấy có những “hiệp sĩ đường phố” gầy gò nhỏ thó, đứng thấp hơn cả tên tội phạm họ bắt giữ.

Có người là thanh niên. Có những người đầu tóc đã hoa râm. Họ chỉ là những người chạy xe ôm; anh công nhân hoặc người vá xe ngồi đầu ngõ nhà bạn. Hằng ngày họ vẫn chật vật mưu sinh, nuôi gia đình.

Phía sau họ có thể là một người cha; người mẹ bệnh nặng cần tiền thuốc hay những đứa con còn đang ở tuổi đến trường. Họ có thể là người Sài Gòn nhưng cũng có thể là người từ một miền quê nào đó lên Sài Gòn lập nghiệp; và xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Họ cũng chẳng liều mạng bắt cướp để kiếm thêm thu nhập vì chẳng ai trả cho họ đồng lương nào cho công việc đầy nguy hiểm này.

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

Có người bảo hiệp sỹ đường phố dại dột háo danh nên sẵn sàng liều mạng bắt cướp để được tuyên dương trên báo hay được nhận bằng khen. Tôi không nghĩ rằng họ có thể dại dột đến mức đánh đổi an toàn tính mạng bản thân và sự an nguy của cả gia đình vì vài lần lên báo; hay vì vài tấm bằng khen treo trên vách. Động lực duy nhất thúc đẩy họ tham gia bắt cướp là tinh thần trượng nghĩa và căm ghét cái ác; một tính cách đặc trưng của người dân đất phương Nam; đúng với tinh thần Lục Vân Tiên: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” của cụ Đồ Chiểu. Sống ở Sài Gòn; họ tự coi là người Sài Gòn và phải có trách nhiệm với mảnh đất mình đang sống.

Tối chủ nhật 13/5/2018 vừa rồi; có hai người anh hùng đã mãi mãi ra đi và ba người người trọng thương đang được điều trị trong bệnh viện; khi bắt cướp bảo vệ tài sản cho người dân. Trong những người ra đi, có người còn con thơ; có người thì chuẩn bị đám cưới. Gương mặt thất thần của người vợ chưa cưới bên xác người yêu tại hiện trường vụ án; và ánh mắt đăm đăm của đứa bé 10 tuổi mất cha cứ ám ảnh tôi suốt mấy ngày nay. Tôi tự hỏi, ai sẽ bù đắp cho họ những mất mát to lớn đến nhường ấy?

Hiệp sỹ đường phố: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Mạng xã hội truyền đi thông tin những hiệp sĩ đường phố chiến đấu với đám cướp có hung khí; lực lượng công an đang ở gần đó nhưng khác phường không kịp phản ứng. Vị tướng công an nổi tiếng đưa ra lời giải thích: 13 giây chúng giết 2 người; gây thương tích 3 người; không thể nào phản ứng kịp. Những kẻ ác bị bắt ngay sau đó nhưng thành phố vẫn đầy nỗi bất an.

Những hiệp sĩ đường phố đó khi liều mình bắt cướp có mảy may nghĩ đến vụ án xảy ra ở đường nào; phường gì, quận mấy rồi mới ra tay hay không? Viết tới những dòng này, tôi đã phải nhiều lần ngưng lại để kìm nén sự xúc động chực vỡ òa thành nước mắt. Chúng tôi, những người dân Sài Gòn suốt đời sẽ ghi nhớ sự hi sinh của các anh;  những hiệp sĩ đường phố vô danh nhưng giàu lòng trượng nghĩa; đã không tiếc cả tính mạng của mình góp phần giữ gìn trật tự trị an của thành phố này.

Hy vọng chính quyền sẽ quyết liệt chống tội phạm; tăng cường bảo vệ sự bình yên của người dân lành, để chúng tôi đỡ bất an hơn.

Bài: Nhà văn Huỳnh Chí Viễn

Ý kiến của luật sư Trần Danh Quý – Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn:

Các hội nhóm “hiệp sĩ đường phố”; Đội săn bắt cướp TP. HCM… được thành lập; hoạt động công khai cách đây khá lâu; một số hội có tổ chức khá quy củ, họ có trang thông tin trên facebook. Dưới góc độ pháp luật hiện nay; việc người dân lập hội, nhóm nhằm mục đích bắt cướp; giữ gìn trật tự xã hội chưa có pháp luật quy định cụ thể.

Các nhóm thành lập, hoạt động một cách tự phát; độc lập, không có sự bảo trợ hay liên kết với bất cứ tổ chức chính trị; xã hội nào nên chưa được pháp luật bảo vệ và được hưởng các quyền lợi đặc thù. Những hiệp sĩ đường phố này phải đối mặt trực tiếp với rất nhiều mối nguy hiểm; và họ phải tự chịu trách nhiệm; vụ việc xảy ra vào ngày 13/5/2018 là một sự việc đáng tiếc như thế.

Thực tế, các hội nhóm này hoạt động và đem lại lợi ích lớn cho xã hội; góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng đảm bảo an ninh xã hội; hạn chế tội phạm, kịp thời giúp đỡ những người hoạn nạn…

Chính vì vậy, họ nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân.

Tôi cho rằng Nhà nước cần có những cơ chế; quy định pháp luật để đưa các hội nhóm tiêu biểu vào hệ thống tổ chức chính trị, xã hội; để họ có thể hoạt động một cách hiệu quả, an toàn hơn; huấn luyện một số nghiệp vụ cơ bản, cho phép sử dụng một số công cụ hỗ trợ để đối phó với các loại tội phạm thường gặp… Đồng thời cần có chính sách; đãi ngộ về vật chất, tinh thần tương xứng với những đóng góp của họ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua