Helen Clark đã làm quản trị viên của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), vị trí cao thứ ba của Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2009. (Ảnh AFP)
Helen Clark nhiều năm liền có mặt trong top phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes. Là Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc từ năm 2009, thủ tướng New Zealand từ năm 1999 đến 2008, Helen Clark hiểu lãnh đạo nữ phải đối mặt với điều gì. Truyền thông thích săm soi kiểu tóc, giọng nói của lãnh đạo nữ… hơn là chú ý chính sách họ đề ra. “Thật khắc nghiệt”, Helen Clark miêu tả, “và để đối phó thì phải rất chuyên nghiệp”.
“KHÔNG PHẢI CHUYÊN GIA MÀ LÀ LÃNH ĐẠO”
Chưa đầy nửa năm sau khi rời ghế thủ tướng New Zealand, Helen Clark được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo 8.000 nhân viên khắp 177 quốc gia.
Điều đáng nói là bà chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế trước đó. Phản ứng đầu tiên của Clark khi đọc mẩu tuyển dụng của Liên Hiệp Quốc là: “À chắc họ đang tìm người nào cả đời làm trong nghề này”.
Cả văn phong thông tin đó cũng y như của chuyên gia viết cho chuyên gia. Điều đó không làm nản lòng cựu thủ tướng. Clark ứng tuyển, với suy nghĩ: Liên Hiệp Quốc đã có rất nhiều chuyên gia về phát triển rồi; nhưng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của họ cần được dẫn dắt, ủng hộ, trao đổi…
“Tổ chức này cần một lãnh đạo, và tôi là nhà lãnh đạo đó”. Quả nhiên, Helen Clark trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí quyền lực thứ ba ở Liên Hiệp Quốc này.
Còn nhớ khi giữ chức thủ tướng New Zealand, có lúc tỷ lệ ủng hộ bà chỉ còn một con số. Nhiều ý kiến cho rằng Clark nên từ chức. Ngược lại, bạn thân đã khuyên bà:
“Cứ ở lại đó. Phải tin chị là người đảm nhiệm vị trí này tốt nhất”.
Ngoài lòng tin vào bản thân, theo Helen Clark, người lãnh đạo giỏi phải kiên trì, linh hoạt, ứng phó tốt và sở hữu mạng lưới quan hệ hiệu quả. Nếu có thể đưa ra lời khuyên cho Helen Clark 25 năm trước thì Helen Clark hôm nay sẽ nói: “Nghĩ về tương lai. Lập kế hoạch. Chừa chỗ cho mình thở. Tái đánh giá và đặt lại mục tiêu. Tôi nghĩ mục tiêu rất quan trọng, nhưng chúng sẽ thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh”. Đôi khi không thể tránh khỏi những bước lùi và ta cần chuyển hướng.
SỐNG ĐỜI TRỌN VẸN
Helen Elizabeth Clark sinh năm 1950 trong một nông trại hẻo lánh ở New Zealand, là con đầu trong một gia đình có bốn chị em gái. Sự kiện quốc tế đầu tiên đánh động đến nhận thức của cô nữ sinh Helen Clark là vụ ám sát tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1963. Từ đó Helen bắt đầu quan tâm đến quan hệ quốc tế. Lớn lên, bà theo học chính trị ở Đại học Auckland và lấy bằng thạc sỹ loại xuất sắc.
Niềm đam mê tìm hiểu thế giới đã đưa bà trở thành người phụ nữ quyền lực. Dù bận rộn nhưng Clark không quên gọi điện cho người cha đã hơn 93 tuổi mỗi ngày. Bà cũng luôn dành kỳ nghỉ hiếm hoi để về New Zealand thăm cha. Ông có tấm bản đồ cũ để dõi theo lịch trình khắp thế giới của Helen Clark. Và con gái lớn của ông được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành nữ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đầu tiên khi ông Ban Ki Moon mãn nhiệm vào năm 2016.
Mục Câu chuyện và con người/Tiếp Thị Gia Đình