Có một lão nông nghèo sống cùng một chú ngựa bạch đẹp và khỏe mạnh. Nhiều người gặng hỏi mua lại chú ngựa này, nhưng ông kiên quyết không bán. Một ngày nọ, chú ngựa bỗng dưng mất tích. Thấy thế, người trong làng tụ tập lại và bảo ông: “Đấy, ông thấy chưa, ngựa đẹp ông không mau bán đi, trước sau gì cũng bị trộm à! Giờ thì xui xẻo chưa?”.
Lão nông cười đáp: “Ấy, bà con nói xa xôi quá rồi. Con ngựa không còn ở trong chuồng, còn chuyện nó bị trộm hay làm sao thì chúng ta chưa biết được. Xui xẻo hay may mắn cũng chưa nói được vì chúng ta đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Ai nấy nghe vậy đều cười nhạo ông.
Nửa tháng sau, chú ngựa kia quay về, còn dẫn theo cả một bầy ngựa bạch. Hóa ra không phải nó bị trộm mà quay về rừng tìm bạn…
Bạn có thấy câu chuyện này quen không? Đó chính là câu chuyện Tái ông thất mã mà chúng ta thường nghe. Thông điệp của nó có lẽ ai nấy đều đã rõ, nhưng hôm nay, hãy thử nhìn nó ở một góc độ khác: những lời người trong làng nói với ông lão (“trước sau gì cũng bị trộm”, “xui xẻo”) đều là phán xét.
Ít nhất một lần trong đời bạn từng phán xét người khác. Thấy chị đồng nghiệp dạo này mặt mũi hốc hác, bạn chả khó khăn gì mà lý giải: “Chắc chồng ăn vụng nên lục đục đây!”. Mặc dù cố gắng tránh nhưng đến một lúc nào đó chúng ta vẫn có thể buông lời phán xét, một cách vô tình hay hữu ý chị đồng nghiệp ra ngoài vào giờ trưa. Nếu nhẹ nhàng thì là “Chị ấy đi ăn trưa kỹ thế”, còn nặng nề hơn thì rằng: “Chị ta đi nhà nghỉ với ai hay sao mà giờ này chưa về?”. Xét trên khía cạnh tâm lý, việc phán xét người khác thường bắt nguồn từ nhiều lý do. Có thể chúng ta bất an về bản thân và muốn cảm thấy “tốt” hơn bằng cách áp đặt điều xấu cho người khác.
Suy cho cùng, bạn không thể nào hiểu được thế giới của người khác. Bạn không nên áp đặt các giá trị của mình lên họ. Những phán xét của bạn khiến người khác bị tổn thương, thậm chí là khủng hoảng tinh thần, nhưng cũng chẳng mang lại niềm vui cho bạn.
6 CÁCH ĐỂ NGỪNG PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC
1. Xét lại suy nghĩ của mình: Đôi khi chúng ta phán xét người khác trong ý nghĩ mà chúng ta không nhận ra.
2. Tìm kiếm những điều tích cực: Mỗi sự việc đều có hai mặt. Nếu không tìm thấy điều gì tốt đẹp để nói, tốt nhất là bạn hãy im lặng.
3. Tránh rập khuôn, a dua: Dĩ nhiên bạn không muốn sống “bầy đàn”, hãy tránh xa những tụ điểm có khả năng biến bạn thành kẻ a dua theo đám đông mà phán xét người khác.
4. Ngừng phán xét bản thân: Tự phê là điều nên làm, nhưng nếu bạn nhìn thấy mặt tốt của mình có lẽ sẽ dễ nhìn thấy điều đó ở người khác hơn.
5. Tập trung sống cuộc đời mình: Khi bạn cố tình trốn tránh vấn đề của mình, bạn sẽ có xu hướng “nhặt” ra điểm xấu của người khác.
6. Ghi nhớ cảm giác bị phán xét: Hẳn là chẳng vui sướng gì khi ghi nhớ cảm giác này. Và hãy nhớ thêm rằng, điều mình không muốn thì không nên gây ra cho người khác.
Theo Tiếp Thị Gia Đình