Hãy nói về cái chết khi ta còn mạnh khỏe

Số đông cho rằng nói về cái chết là điều kiêng kỵ, nhưng theo các nhà xã hội học, đó là việc rất nên làm

Một người giàu có với bao nhiêu của chìm của nổi đột ngột qua đời. Không ai biết người đó có tâm nguyện thế nào về phút lâm chung của mình để thực hiện cho họ được ngậm cười nơi chín suối. Tang ma còn chưa xong thì nội bộ gia đình lục đục với những câu hỏi như người đó để lại bao nhiêu tài sản, mọi thứ sẽ được chia phần thế nào…

Tình cảm gia đình sứt mẻ, nghiêm trọng hơn là đưa nhau ra tòa. Tất cả bắt nguồn từ việc người ấy chưa từng nói về cái chết, cụ thể là các dự định liên quan đến lúc mình qua đời.

NÊN NÓI VỀ CÁI CHẾT

Giây phút từ giã cõi đời là một cột mốc vô cùng quan trọng mà ai cũng phải trải qua, nhưng không có mấy người nói đến, thậm chí không muốn nghĩ đến. Vì vậy, trên thế giới đã có những phong trào được khởi xướng nhằm khuyến khích mọi người, bất kể trẻ hay già, khỏe mạnh hay bệnh tật, nói về cái chết để lên kế hoạch cho việc hậu sự.

Có thể kể đến như Death Cafe, Let’s Have Dinner and Talk About Death hay Tuần lễ Bác sỹ gia đình của Hiệp hội Y khoa Úc. Giáo sư xã hội học Alex Broom, thuộc Đại học New South Wales, Úc, khẳng định: nói về những mong muốn và dự định cuối đời là việc rất nên làm đối với bản thân mỗi người, những người yêu thương của họ và cả với xã hội. “Việc bàn về cái chết không chỉ xoay quanh sự chết mà còn liên quan đến người sống. Như phong trào Death Cafe gia tăng nhận thức về cái chết chính là để giúp người ta tận dụng tốt nhất những ngày còn sống của mình”, ông nói.

Theo Hiệp hội Y khoa Úc, kế hoạch cuối đời cần bao gồm cả việc chọn lựa cách điều trị và xử lý trong trường hợp sức khỏe nguy cấp và cả vấn đề ai có thể quyết định thay mình.

20151026-hay-noi-ve-cai-chet-khi-con-khoe-manh-01

CÁI GIÁ CỦA SỰ IM LẶNG

Cái giá phải trả do chúng ta tránh nói về cái chết là không nhỏ. Bạn có thể thấy điều đó qua vài thông số ghi nhận tại Mỹ:

• 80% dân Mỹ chưa sắp xếp ổn thỏa việc cá nhân trước khi chết.

• 55 tỷ đô-la Mỹ là số tiền Medicare phải chi trả cho tiền dịch vụ chữa bệnh trong hai tháng cuối đời của các bệnh nhân. Ước tính có 20–30% trong số đó là ném tiền qua cửa sổ vì bệnh nhân đã hết phương cứu chữa (nhưng không còn năng lực ra quyết định ngừng điều trị cho mình).

• 75% là tỷ lệ người chết ở bệnh viện hoặc dưỡng đường trong khi phần lớn dân Mỹ cho biết họ muốn chết tại nhà.

• 5% là tỷ lệ dân Mỹ lên kế hoạch trước cho tang lễ của mình. Số còn lại để cho người nhà tự suy đoán nên làm sao và tâm lý nói chung thường là chi tiêu quá mức.

VÀI TRĂM ĐÔ-LA MỸ là chi phí pháp lý để làm di chúc, còn chi phí kiện tụng để giải quyết tài sản thừa kế khi không có di chúc hoặc di chúc viết không rõ thường lên đến hàng nghìn đô-la Mỹ.

CÓ BAO GIỜ LÀ QUÁ SỚM ĐỂ NÓI VỚI CON TRẺ VỀ CÁI CHẾT?

20151026-hay-noi-ve-cai-chet-khi-con-khoe-manh-02• Khi nào là thích hợp để nói với con trẻ về cái chết? “Ngay khi trẻ có thể hiểu điều bạn nói và không nên đợi đến lúc trong gia đình có người sắp qua đời mới nói“, Kay Johnson, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Griefworks B.C, tư vấn. Theo bà Johnson, có rất nhiều cơ hội để nói với trẻ về cái chết, như khi bạn và con cùng nhìn thấy một con bọ chết, một cái cây chết hay xem một bộ phim có nhân vật qua đời.

• Buổi tối quây quần bên tivi cũng là thời điểm dễ chịu để nói về chủ đề tế nhị này.

Chuyên đề đặc biệt – Hallowen / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua