Hạt cườm trong mũi bé trai và cách xử lý dị vật trong mũi trẻ

Mới đây, chị Đặng Thị Ng (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện con trai chị gần như "tắc thở" vì một dị vật trong mũi, được xác định là một hạt cườm nhỏ

Chị Ng. cho hay, tối thứ Hai, sau khi đi làm về, chị thấy con trai bị chảy nước mũi nên lấy khăn lau mũi cho con. Tuy nhiên, bé trai không cho mẹ lau mũi. Sau khi chị gặng hỏi, bé mới kể lại: “Buổi trưa, con đang ngủ thì bạn nằm cạnh đã nhét viên bi vào mũi con. Con đau lắm!”. Chị nhận thấy một bên sống mũi của bé hơi tím vì tắc và trong lỗ mũi có cái gì đó bít chặt.

Ngay sau khi phát hiện dị vật trong mũi con trai, chị Ng. rất hoảng hốt và lo lắng, nhưng chị vẫn chỉ biết dặn con không được hít mạnh sẽ khiến viên bi càng vào sâu hơn. Chị đưa con đến bệnh viện gần nhất, nơi các bác sỹ gắp hạt cườm ra khỏi mũi bé. Bác sỹ cho biết, nếu bé hít sâu thêm nữa thì sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.

Nói về sự việc trên, chị Ng chia sẻ, chị đã báo cho cô giáo của con và không muốn sự việc phức tạp nên không cung cấp thông tin gì thêm.

“Tôi đã phản ảnh tới cô giáo của con để cô quan tâm hơn đến các cháu, đừng để xảy ra sự việc tương tự. Tôi cũng chỉ chia sẻ lên mạng xã hội để các người bạn của tôi có con em đang đi học thì hãy quan tâm hơn để con không gặp tai nạn nguy hiểm tương tự, chứ không muốn làm to chuyện.”

CÁCH PHÁT HIỆN DỊ VẬT TRONG MŨI TRẺ

Cách đây gần 5 năm, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cũng tiếp nhận một trường hợp bé trai 4 tuổi bị phát hiện có dị vật trong mũi. Các bác sỹ đã gắp ra một hạt cườm to, đóng đầy mủ. Theo lời kể của bệnh nhân, hạt cườm đó bé bứt ra từ áo của một bé gái nhét vào mũi chơi.

Ở độ tuổi từ 9 tháng đến 8 tuổi, trẻ thường hiếu động và nghịch ngợm. Vì đây là giai đoạn trẻ đang khám phá thế giới xung quanh nên bất kỳ vật gì cũng nhìn, sờ, cầm và lấy làm đồ chơi. Chơi chán, trẻ thường nhét những vật này vào miệng, tai hoặc vào mũi, từ đó tạo nên dị vật trong cơ thể. Các “dị vật” có thể là các loại hạt (me, mãng cầu, cam, quýt…) và các đồ vật như khuy áo, hạt cườm, bông tai, đồ chơi lắp ráp.

Các triệu chứng nhận biết dị vật trong mũi trẻ:

di vat trong mui hinh anh 2

♣ Đau hoặc tắc nghẹt mũi bên có dị vật.

♣ Chảy máu mũi: xảy ra khi dị vật trong mũi làm cho niêm mạc mũi có thể bị trầy xước. Chảy máu mức độ nhiều, máu có thể chảy qua thành sau họng và bệnh nhân sẽ nuốt xuống dạ dày.

♣ Dị vật bị đẩy xuống họng: Khoang mũi thông với phía sau họng miệng, vì vậy rất có khả năng dị vật bị đẩy xuống họng. Có những trường hợp dị vật bị nuốt xuống hoặc bị tắc gây nghẹt thở. Các triệu chứng gồm: ngạt, rít, khó thở, không nói được..

♣ Vùng da ngay dưới mũi trở nên đỏ, rát do chảy nước mũi liên tục hoặc do chùi mũi thường xuyên.

♣ Dị vật gây ra tình trạng hơi thở hôi hay mùi hôi từ mũi, cũng có thể liên quan tới tình trạng chảy nước mũi do dị vật.

♣ Các dị vật trong mũi bao gồm: Hạt cườm, mảnh đồ chơi, sỏi, nến, đồ ăn, cục pin. Chúng thường nằm ở vị trí sàn mũi, sau vài ngày nếu không được phát hiện sẽ bắt đầu nhiễm trùng và có mùi khó chịu.

Lưu ý: Nếu không phát hiện sớm các dị vật thì sẽ gây ra nhiễm trùng, có thể viêm màng não.

Cách xử lý dị vật trong mũi trẻ:

♦ Các bậc phụ huynh cần chú ý, không tự ý lấy dị vật trong mũi cho trẻ ngay tại nhà để tránh các tổn thương nặng nề hơn. Hãy đem trẻ tới chuyên khoa tai − mũi – họng, các bác sỹ có chuyên môn sẽ lấy những dị vật ra một cách dễ dàng và an toàn. Nếu dị vật là cục pin thì cần phải được lấy ra khỏi mũi càng sớm càng tốt vì pin bị phân hủy bởi dịch mũi gây hoại tử mô xung quanh.

♦ Không sử dụng bất kỳ vật gì chọc vào mũi để loại bỏ dị vật tắc trong mũi.

♦ Bố mẹ cần luôn để mắt đến trẻ khi chơi các loại đồ chơi, tránh cho trẻ chơi đồ chơi tháo lắp.

♦ Nếu trẻ đi học mẫu giáo, cần luôn quan tâm, hỏi han con mình khi đi học về, nhờ cô giáo ở lớp học quan tâm và để mắt đến trẻ nhiều hơn.

Bài: K. Huyền

Tiếp Thị Gia Đình

 

 

Đừng bỏ qua