Hàng trăm người hôn nhau kêu gọi Anh ở lại EU

Ngày 19−6, trước tòa nhà Quốc hội nước Anh tại London, hơn 420 người đã xếp hàng dài và thắm thiết hôn nhau kêu gọi Anh ở lại EU

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và ngày 23−6 về việc Anh có nên ở lại EU hay không, hàng trăm người đã xếp hàng dài trước tòa Quốc hội Anh để hôn nhau kêu gọi Anh ở lại EU.

Sự kiện 420 người hôn nhau kêu gọi Anh ở lại EU

Đến với sự kiện, những người tham gia còn mang cờ nước Anh, cờ châu Âu giăng khắp nơi. Thậm chí, có người còn dùng hình ảnh lá cờ ấy vẽ lên mặt mình.

Sự kiện hàng trăm người hôn nhau kêu gọi Anh ở lại EU còn diễn ra ở thủ đô một số nước trong khu vực châu Âu như Berlin (Đức), Paris (Pháp) và Roma (Italia).

Qua đó có thể thấy, sự kiện không chỉ đơn thuần thể hiện tình yêu với nước Anh mà xa hơn, nó còn nói lên tình cảm của châu Âu với nước Anh cũng như tầm quan trọng của Anh trong Liên minh châu Âu − EU.

hon nhau keu goi Anh o lai EU hinh anh 1

“Một lá phiếu ủng hộ việc ở lại là một lá phiếu ủng hộ tình yêu, sự bao dung và đoàn kết trong tình trạng chia rẽ của chúng ta”, bà Alice Jay − Giám đốc chiến dịch của Avaaz chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 6−6, các nghiệp đoàn nước Anh đã đại diện cho 6 triệu công nhân lên tiếng phản đối việc Anh rời bỏ EU vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động nước Anh.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ Anh nên ở lại EU thì một bộ phận đông đảo cho rằng, Anh nên rút khỏi EU để có thể tự do phát triển. Câu hỏi “đi hay ở” sẽ được trả lời sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, diễn ra vào ngày 23−6.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng không phải là “đi hay ở” mà là giải quyết những mâu thuẫn giữa Anh và các nước còn lại trong khối Liên minh châu Âu.

Mâu thuẫn khiến Anh rời bỏ EU

hon nhau keu goi Anh o lai EU hinh anh 2

Từ khi thành lập, Anh đã là một quốc gia hùng mạnh trong khối Liên minh châu Âu. Và để bảo vệ vị thế của mình, ngay từ lúc bắt đầu, Anh đã từ chối sử dụng đồng tiền chung Euro.

Để đảm bảo sự phát triển của quốc gia cũng như sự phát triển của Liên minh châu Âu, quan chức nước Anh đã đưa ra các chính sách yêu cầu các bên thông qua như: hoãn việc chi trả phúc lợi cho những người di cư EU đang làm việc nếu họ có thâm niên làm việc dưới 4 năm tại Anh, cho phép các quốc gia thành viên có quyền ngăn chặn những chỉ thị của EU mà các nước đó không muốn. Tuy nhiên, những yêu cầu trên gặp phản đối gay gắt từ các nước thành viên.

Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU cho rằng, quyết định đó sẽ mang đến nước Anh viễn cảnh tươi đẹp hơn khi có thể giúp Anh tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới, giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi các quy định của EU.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Anh nên ở lại EU lại cho rằng Anh sẽ chịu những thất bại nặng nề cũng như Liên minh châu Âu khó có thể trụ vững nếu như Anh quyết định rời khỏi.

Phát biểu trước Hạ viện Anh, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: “Câu hỏi không phải là liệu Anh có thể thành công khi rời EU hay không, mà là cần làm gì để chúng ta thành công nhất, làm gì để chúng ta có ảnh hưởng lớn nhất lên những quy tắc định hình kinh tế toàn cầu sẽ tác động tới chúng ta”.

Câu hỏi “đi hay ở” sớm muộn sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên hiện nay có thể thấy rõ sự đối lập giữa hai phe ủng hộ không chỉ ở nước Anh mà còn lan khắp châu Âu, như sự kiện hàng trăm người hôn nhau kêu gọi Anh ở lại EU là một ví dụ.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua