Hàng loạt trường ĐH top đầu hạ điểm, sốt ruột chờ người học

Lần đầu tiên từ trước đến nay, các trường ĐH nằm trong top đầu lâm vào cảnh tuyển không đủ chỉ tiêu, đua nhau hạ điểm chuẩn trong lần xét tuyển đợt 2 từ ngày 21 đến 31-8

Đua nhau giảm điểm chuẩn

Tại khu vực Hà Nội: Trường ĐH Y Hà Nội năm nay bất ngờ lâm vào cảnh thiếu chỉ tiêu. Trường này thông báo tuyển bổ sung gần 600 chỉ tiêu ở toàn bộ 17 ngành/chuyên ngành đào tạo ĐH chính quy dù điểm chuẩn năm 2016 của trường ở hầu hết ngành đều thấp hơn năm 2015.

Trong khi đó, Trường ĐH Thương mại Hà Nội cũng thông báo xét tuyển đợt 2 hơn 1.400 chỉ tiêu cho 12 ngành. Điểm sàn nhận hồ sơ là 17 điểm.

Trường ĐH Mỏ địa chất cũng tuyển bổ sung thêm khoảng 1.600 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo, trong đó ngành thiếu nhiều nhất là Kỹ thuật địa chất với 320 chỉ tiêu, các ngành còn lại dao động từ 40 đến 200 chỉ tiêu.

xet tuyen dot 2 hinh anh 1

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại ĐH Mỏ – Địa chất

Tương tự, Học viện Tài chính cũng đang lâm vào tình trạng thiếu chỉ tiêu. Đợt 2, nhà trường thông báo tuyển bổ sung 919 chỉ tiêu ĐH chính quy. Học viện Tài chính xét tuyển theo đồng thời cả hai phương thức: xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng kết quả học tập THPT.

Ngày 20-8, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội ra thông báo xét tuyển đợt 2 với 575 chỉ tiêu vào đại học chính quy năm 2016. Theo đó, đối tượng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2 là các thí sinh đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức có điểm bài thi đánh giá năng lực đạt điểm ngưỡng nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 trở lên.

Tại TP HCM: Trường ĐH Y dược TP. HCM cũng thông báo xét tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo của trường. So với điểm chuẩn đợt 1, điểm xét tuyển bổ sung của nhiều ngành giảm từ 2 đến 3 điểm. Đáng chú ý là trong nhiều năm trở lại đây, Trường ĐH Y dược TP. HCM và Trường ĐH Y Hà Nội chưa từng phải xét tuyển bổ sung.

Trong khi đó, Trường ĐH Sài Gòn năm 2016 tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 cho 21 ngành bậc ĐH và 3 ngành bậc CĐ với tổng cộng 580 chỉ tiêu. Điểm sàn (điểm tối thiểu để nộp hồ sơ xét tuyển) là tổng điểm của ba môn thi trong tổ hợp xét tuyển (không nhân hệ số môn chính) với điểm ưu tiên (nếu có).

xet tuyen dot 2 hinh anh 2

Hầu hết các trường ĐH tại TP. HCM đều thiếu chỉ tiêu tuyển sinh sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1

Trương tự, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP. HCM thông báo tuyển bổ sung 1.020 chỉ tiêu cho các ngành bậc ĐH của trường. So với điểm chuẩn đợt 1, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của trường giảm từ 0,5 đến 4,5 điểm, tùy ngành.

Trường ĐH Mở TP. HCM cũng tuyển bổ sung 380 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ dao động từ 15-22 điểm. Như  vậy so với điểm chuẩn đợt 1, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung giảm từ 1-2 điểm.

Tại miền Trung: 8/9 đơn vị thành viên trực thuộc Trường ĐH Đà Nẵng đồng loạt thông báo xét tuyển đợt 2 với 3.089 chỉ tiêu.

Ngày 20-8, Trường ĐH Huế cho biết, nhà trường phải xét tuyển đợt 2 bổ sung 4.378 chỉ tiêu vào ĐH, CĐ chính quy năm 2016 của các ĐH thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.

Khu vực Tây Nguyên: Kết thúc xét tuyển đợt 1, Trường ĐH Đà Lạt chỉ tuyển được khoảng 700 chỉ tiêu. Nhà trường thông báo đợt 2 sẽ xét tuyển 2.108 chỉ tiêu cho 23 ngành hệ ĐH và 4 ngành hệ CĐ chính quy. Trong khi đó, Trường ĐH Tây Nguyên cũng cho biết sẽ xét tuyển bổ sung, đợt 2 là 770 chỉ tiêu cho cả hai hệ ĐH và CĐ.

Vì sao các trường không tuyển đủ chỉ tiêu?

Theo TS. Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), năm nay, ngoài hai nguyện vọng ở hai trường, thí sinh còn có nhiều cơ hội khác, như đăng ký xét tuyển học bạ, đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng, các trường quốc tế, chương trình liên kết và một bộ phận không nhỏ thí sinh du học nước ngoài nữa. “Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc giảm nguồn tuyển cho các trường” – TS. Lê Chí Thông nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Kim Quang, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP. HCM), lại nhìn nhận vấn đề này ở một góc độ khác. Ông cho rằng với cơ chế xét tuyển như năm nay, về nguyên tắc thống kê, khả năng một thí sinh đậu cùng lúc hai trường rất cao. “Như vậy, xác suất các trường gọi trúng tuyển chỉ 50%, vì thí sinh chọn một trong hai trường. Trên lý thuyết, các trường muốn đủ chỉ tiêu phải gọi thí sinh trúng tuyển đến 200% chỉ tiêu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại liên tục cảnh báo trường nào tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý kỷ luật, vì thế không trường nào dám gọi thí sinh vượt đến 200%”- TS. Nguyễn Kim Quang cho biết.

xet tuyen dot 2 hinh anh 3

Các trường ĐH trong cả nước lâm vào cảnh khó khăn trong việc tuyển sinh

Về nguồn tuyển các đợt xét tuyển bổ sung, ông Quang cho biết khi xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GD-ĐT đã khẳng định dư nguồn tuyển. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường ĐH ở TP.HCM cũng tỏ ra nghi ngờ dữ liệu nguồn tuyển mà Bộ GD-ĐT công bố.

“Hầu hết các trường phía Nam đều không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Vậy nguồn dữ liệu bộ công bố là dư nguồn tuyển cho các trường ở đâu ra?” – lãnh đạo một trường ĐH ở TP. HCM thắc mắc.

Theo ông Hứa Minh Tuấn, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, năm nay các trường không có dữ liệu thí sinh xét tuyển qua hình thức học bạ. Chính việc này làm số thí sinh ảo tăng lên. “Bộ GD-ĐT công bố dữ liệu điểm thi chung của thí sinh cả nước. Trong khi thực tế cho thấy số thí sinh các tỉnh phía Bắc có điểm cao hơn phía Nam. Chính điều này đã tạo ra tình trạng ảo cho các trường phía Nam” – ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, việc Bộ GD-ĐT chỉ vì những thất bại của năm 2015 mà vội vàng thay đổi hoàn toàn phương thức xét tuyển một cách máy móc, không có nghiên cứu cụ thể… đang gây ra nhiều hệ lụy. “Việc bí mật thông tin xét tuyển, không cho thí sinh biết mức điểm các hồ sơ đã nộp để làm cơ sở dữ liệu thứ hạng của mình, nhằm lựa chọn phù hợp với mức điểm cụ thể, đã làm khó các trường và cả chính thí sinh” – ông Sơn nhận định.

Bài: Lâm Viên

Ảnh: TT, CAND

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua