YÊU CẦU VỀ THỊ LỰC, THÍNH LỰC, NGOẠI NGỮ
Để dự tuyển vào khoa Hàng hải, đối với một số ngành chuyên biệt như Điều khiển tàu biển (bậc đại học) và Vận hành khai thác máy tàu thủy (bậc cao đẳng), thí sinh phải cao từ 1,58m trở lên và cân nặng tối thiểu 45kg.
PGS–TS. Nguyễn Phùng Hưng cho biết, để vượt qua vòng sơ tuyển, thí sinh phải đạt yêu cầu về thị lực và thính lực. Tổng thị lực hai mắt phải đạt 18/10 trở lên, không mắc bệnh mù màu nhằm đảm bảo khả năng quan sát xung quanh. Phải nghe rõ khi đối tượng nói thường cách 5m và nói thầm cách 0,5m để có thể giao tiếp và truyền tin trong điều kiện không thuận lợi trên biển.
Việc trau dồi ngoại ngữ gần như là điều kiện tiên quyết. Bởi lẽ trong quá trình học và cả khi bắt tay vào công việc thực tế, bạn cần phải giao tiếp, đọc hiểu các văn bản bằng tiếng Anh như Công ước quốc tế, Luật Hàng hải và những tài liệu có liên quan. Bên cạnh đó, bạn còn phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể để có thể hội nhập tốt trong môi trường quốc tế.
CƠ HỘI THỬ THÁCH BẢN THÂN
Bạn Phan Thị Mỹ Hào, một trong những nữ sinh viên đầu tiên của khoa Hàng hải, Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM, chia sẻ: “Chọn thi vào khoa Hàng hải là một trong những quyết định khó khăn và quan trọng trong cuộc đời em. Em đã rất đắn đo vì biết rằng phần lớn thủy thủ phải làm việc xa nhà, lênh đênh trên sông nước. Hơn nữa, đây lại là ngành học mang tính chất bán quân sự nên có những quy định rất khắt khe và nghiêm túc. Em chọn công việc này vì nó vừa mang đến cho em sự say mê khám phá, vừa giúp em rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm”.
Tốt nghiệp khoa Hàng hải năm 2010, anh Tống Văn Ánh, Công ty Cổ phần vận tải và thuê tàu biển Việt Nam VITRANSCHART JSC, tâm sự: “Khó khăn của ngày đầu mới bước vào nghề chính là việc nghe khẩu lệnh lái từ thuyền trưởng, từ sỹ quan trong buồng lái và cả các hoa tiêu. Bởi thuật ngữ chuyên ngành hàng hải vừa nhiều, vừa khó nhớ, môi trường trên biển lại ồn ào, nếu không nắm vững, việc điều khiển tàu sẽ rất khó khăn, nhất là khi ra vào các cầu cảng. Trước khi nhận nhiệm vụ, sỹ quan hàng hải phải nghiên cứu rất kỹ hải đồ để xác định đường đi, đánh dấu những vùng biển cần phải lưu ý, đặc biệt chú ý những nơi nguy hiểm như bãi cạn và nguy cơ có cướp biển… Tôi nghĩ đây thực sự là một ngành rất thú vị. Ngoài kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ thì cần phải rèn luyện ý chí”.
Bạn biết chưa?
− Trong quá trình học tại khoa Hàng hải, Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM, sẽ có những giai đoạn sinh viên học tập theo chế độ “bán quân sự”, nghĩa là học tập kết hợp với rèn luyện. Sinh viên ăn ở tại ký túc xá, sáng tập thể dục, đi học, tự tu, sinh hoạt theo thời gian biểu.
− Yếu tố kỷ luật và nội quy ở đây được quản lý rất chặt chẽ để sinh viên có cơ hội làm quen với môi trường làm việc trên tàu biển sau khi ra trường.
− Môn thi: Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Lý, Anh (tùy chuyên ngành), môn chính là Toán (hệ số 2).
Theo Tiếp Thị Gia Đình