Hai cô giáo vùng cao và tình yêu thương học trò

Không chỉ truyền đạt kiến thức, hai cô giáo vùng cao tại ngôi trường huyện miền núi Chư Sê còn lập ban tư vấn tâm lý giúp các em luôn vững vàng trong cuộc sống

Chúng tôi tình cờ có mặt trong buổi bàn kịch bản cho hoạt động ngoại khóa của hai cô giáo vùng cao Trịnh Thị Trang và Đinh Thị Phương Chi, giáo viên môn văn của trường Trung học phổ thông Trường Chinh, tại nhà một người bạn ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

HỌC SINH ĐẶC BIỆT CÀNG PHẢI QUAN TÂM

hai co giao vung cao hinh anh 01Tò mò, hôm sau chúng tôi đến trường. Học sinh ở trường ngoài người Kinh, còn có nhiều người dân tộc Gia Rai. Khi chúng tôi hỏi cô Trang và cô Chi, các em đều hào hứng nói về cô bằng những ngôn từ yêu thương nhất.

Ngoài việc đều là giáo viên dạy giỏi, cô Trang và cô Chi còn là đồng sáng lập và điều hành ban tư vấn tâm lý cho học trò. Đây chính là điều đặc biệt ở một ngôi trường huyện miền núi.

Hai cô cho biết: “Các em càng cá biệt, càng lơ là việc học thì càng phải ân cần, tạo điều kiện để các em mạnh dạn, quan tâm đến việc học hơn”. Cách của cô Trang là cho những em quậy đảm đương vị trí chủ chốt như tổ trưởng, lớp phó, thậm chí lớp trưởng. Trong giờ học, cô thường xuyên mời các em chia sẻ ý kiến.

hai co giao vung cao hinh anh 04

Một tiết dạy của cô Trang

Nếu cô Trang khéo léo trong việc giúp học sinh hòa nhập thì cô Chi thu phục các em bằng sự tận tâm. Không ít lần những học sinh cá biệt tỏ thái độ bất hợp tác, cô cũng không to tiếng. Bất cứ vấn đề gì, cô cũng trò chuyện với học trò bằng giọng nhẹ nhàng. Cô luôn để các em có cơ hội giãi bày. Cô bảo: “Các em ở lứa tuổi này nửa trẻ con, nửa người lớn nên rất bốc đồng. Các em cần có người sẻ chia, thấu hiểu chứ không muốn bị áp đặt”.

TẤM LÒNG HAI CÔ GIÁO VÙNG CAO DÀNH CHO HỌC TRÒ

hai co giao vung cao hinh anh 02Sau giờ học, hai cô giáo vùng cao này thường ngồi ở ghế đá sân trường với học sinh. Đó là lúc hai cô lắng nghe câu chuyện của các em, cùng các em gỡ rối những gút mắc trong cuộc sống.

Một lần ở lớp cô Trang có học sinh trốn học, bỏ nhà đi đã ba ngày. Sáng hôm ấy cô nhận được tin em A đang ở một vườn tiêu cách trường 20km, tức cách nhà cô 30km. Cô và bạn lớp trưởng liền chạy xe máy đến thuyết phục em về.

40 phút sau, khoảng 10 giờ sáng, cô đã có mặt nhưng em học sinh trốn bên trong, gọi mãi không ra. Cô Trang bèn cố thủ bên ngoài. Mãi đến hai giờ chiều, em học sinh phải ra gặp cô giáo, ăn hộp cơm cô chuẩn bị sẵn và để cô chở về. Cô Trang chở em về nhà mình và trong vòng hai ngày, cô cứ để trò thong thả, tĩnh tâm vì “học trò không muốn nghe mình nói nhiều đâu”. Mặt khác, cô gọi điện thoại cho bố mẹ em, bảo khi em về thì đừng la mắng. Cô Trang kể: “Hoàn cảnh gia đình cậu học trò ấy rất đặc biệt, tâm lý không ổn định, nếu mình không ở bên cạnh khuyên nhủ sẽ khiến em sinh nông nổi. Sau này, em ấy cứ nhắc nếu hôm đó cô và bạn lớp trưởng không kiên nhẫn chờ, cuộc đời em đã sang hướng khác”.

hai co giao vung cao hinh anh 03Trong quá trình giảng dạy ở trường, nhận ra những bất ổn trong tâm lý học trò tuổi mới lớn, hai cô cùng đồng lòng xin lãnh đạo trường lập ban tư vấn tâm lý cho học sinh.

Gọi là ban nhưng hiện chỉ mới có thầy Bùi Quang Vinh (Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường) và hai cô là thành viên chủ chốt. Tự nhận mình hoạt động chưa chuyên nghiệp và bài bản như ý muốn nhưng các cô đã đồng hành với rất nhiều em học sinh trong những lúc chông chênh, ngã lòng, cần một vòng tay.

Học trò của hai cô, có em thành đạt, có em chỉ học hết lớp 12, nhưng hễ có chuyện vui buồn, các em đều nhớ đến cô. Hai cô luôn dang rộng vòng tay đón chờ các em.

THÔNG TIN THÊM

Trường THPT Trường Chinh vừa nhận được cờ thi đua của chính phủ. So với các trường khác trên địa bàn tỉnh, trường có lượng học sinh dân tộc thiểu số cao hơn. Mỗi cán bộ của trường nhận đỡ đầu ít nhất 3 học sinh dân tộc. Bất cứ lúc nào gặp khó khăn, học sinh cũng có thể liên hệ với ban tư vấn tâm lý của trường. Trường còn thường xuyên kết hợp với doanh nghiệp địa phương hỗ trợ, trao học bổng cho các em.

Bài: YẾN LÊ- Ảnh: HỮU DUY PHOTO

Mục Câu chuyện & Con người/Tiến Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua