Hà Nội: Giật mình thảng thốt với chất lượng bữa ăn cho học sinh

Ngày nay, đa phần phụ huynh cho con học bán trú nên các em ăn trưa và ăn xế tại trường. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn ở trường như thế nào thì phụ huynh đành phó mặc cho... ông trời!

Hầu hết thực phẩm chế biến đều kém chất lượng

Giữa tháng 4–2015, Tiếp Thị Gia Đình nhận được phản ánh của chị Chu Thị Bích Hậu (ngụ tại phố An Dương, Q. Tây Hồ, Hà Nội) về việc Công ty Suất ăn công nghiệp Hà Nội cung cấp đồ ăn không đạt chất lượng cho 35 trường tiểu học trên địa bàn huyện Gia Lâm, Thanh Trì. Cho chúng tôi xem các loại giấy tờ, bảng lương có dấu đỏ, chị Hậu cho biết chị là bếp trưởng đã làm việc tại công ty 5 năm, đứng bếp gần như tất cả các trường tiểu học trên. Hiện chị Hậu đã nghỉ việc nhưng những gì được chứng kiến trong suốt 5 năm qua khiến chị day dứt, không thể không lên tiếng.

TRỨNG HỎNG, THỊT ĐÔNG LÀ THƯỜNG NGÀY

Bức ảnh chị còn lưu trong điện thoại là hình ảnh rổ trứng cút làm món thịt kho trứng cút trong thực đơn ngày thứ Sáu, 6–3–2015 tại một trường tiểu học ở huyện Gia Lâm. Trứng cút đã chín, được bóc vỏ và còn trong tình trạng đông đá, có nhiều quả bị thâm lại, chuyển sang màu xanh xám. Thực đơn từ ngày 2–3–2015 đến 7–3–2015 tại trường tiểu học này cho thấy, tất cả những món chính từ thứ Hai đến thứ Sáu dành cho học sinh chỉ toàn liên quan đến thịt như thịt rim nước mắm, thịt ram mặn ngọt, gà rim mắm tỏi, thịt rang xì dầu, thịt kho trứng cút mà không có bất cứ thực phẩm nào liên quan đến hải sản. Chỉ món mặn của giáo viên là có cá như cá nục chiên sả ớt, chả cá thì là.

Chị Hậu còn cung cấp cho chúng tôi hình ảnh những miếng chả đã bốc mùi hôi, sờ vào nhớt nhợt được cung cấp làm thức ăn cho học sinh. Không biết nên chế biến những miếng chả đó thế nào, chị gọi điện lên công ty hỏi thì được tư vấn “Mang tất cả rán lên”. Với thịt gà, chị khẳng định chủ yếu là thịt gà công nghiệp đông lạnh, phải rã đông nhiều giờ trước khi chế biến. Theo phản ánh của chị Hậu, công ty còn tiết kiệm đến mức tối đa như nước trần thịt gà được yêu cầu đem xào rau, nấu canh, dầu ăn được tái sử dụng rất nhiều lần dù đã chuyển sang màu đen.

Chị Phạm Thị Thúy, một đầu bếp từng làm việc ở công ty này ba năm, cũng cho biết: “Trứng gà nhiều khi bị vỡ, có quả có giòi bên trong vẫn làm thực phẩm nấu cho học sinh. Không đang tâm chế biến, tôi phải vứt bỏ những quả trứng hỏng”.

Chiều 15–4, chúng tôi liên hệ với anh Lưu Ngọc Nam, phụ trách kinh doanh và chăm sóc khách hàng của Công ty Suất ăn công nghiệp Hà Nội, anh Nam thoái thác trả lời phỏng vấn, chỉ hứa hẹn: “Chúng tôi đang xem xét những tấm ảnh kia xuất phát từ đâu và sẽ có câu trả lời sớm”.

DINH DƯỠNG LÀ ĐIỀU XA XỈ

Nhập vai nhân viên tạp vụ cho căng-tin một trường trung học phổ thông tại quận Đống Đa, Hà Nội trong vài ngày, tôi không khỏi giật mình về chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Mỗi ngày căng-tin này phục vụ khoảng 300 suất ăn cho học sinh, bao gồm đồ ăn sáng, ăn trưa. Thực đơn sáng có xôi pa-tê/ chả/ trứng/ thịt, bánh mì kẹp đồng giá 15.000 đồng. Bún được trần sẵn từ sớm, bỏ thêm mấy miếng đậu phụ, chút hành hoa. Những bát bún đó tuyệt nhiên chẳng có nắp đậy hay màng bọc, ruồi bâu chẳng ai buồn đuổi.

Tôi đứng đơm xôi ra bát, chị quản lý dặn dò: “Phải nhặt hết những mẩu xôi bị ám muội than ra, không học sinh ăn phải, nó kiện lên tận hiệu trưởng đấy”. Nào đâu chỉ có muội than, tôi còn nhặt ra được cả… phân chuột lẫn trong chõ xôi.

Kết thúc giờ ăn sáng, xôi, pa-tê còn thừa đều được cất tủ lạnh, hôm sau dùng tiếp. Thế mới xảy ra chuyện hài hước là khi có em học sinh vào bếp xin thêm xôi, một chị phục vụ lỡ miệng bảo: “Xôi cất đi rồi”. Em học sinh đó thắc mắc: “Cất xôi đi để làm gì?”, chị kia giật mình chống chế: “Cất đi để các chị… ăn”! Đầu giờ sáng, mỗi người được phát một đôi găng tay ni-lông dùng để chia đồ ăn. Tuy nhiên, chỉ một loáng sau, đôi găng tay đó cũng kiêm luôn nhiệm vụ… dọn dẹp bát đũa, rác rưởi.

Cơm rang thập cẩm và mì Ý được học sinh ưa chuộng nhất, nhưng giá trị dinh dưỡng của hai món đó vô cùng nghèo nàn. Túi mì Ý còn thừa trong tủ lạnh được mang ra trần lại rồi trộn với rổ mì mới. Nồi nước sốt đỏ lòm, đông đặc từ tủ lạnh được đun lên cho nóng, trộn với chút thịt bằm là có hàng chục đĩa mì hấp dẫn. Có em học sinh hỏi xin thêm cơm rang, nhân viên phục vụ vui vẻ cho thêm nửa đĩa. Em hí hửng ăn tiếp mà đâu biết đĩa cơm rang “cho thêm” là cơm lấy từ tủ lạnh ra rang lại.

Và điều kinh khủng là cứ mỗi khi học sinh ăn xong, chuột chạy ra hàng đàn để “liên hoan” những gì còn vương vãi trên nền nhà. Thậm chí bữa trưa đang cực kỳ nhốn nháo, chúng cũng ra tìm kiếm cái ăn. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, em M., nhân viên phục vụ ít tuổi nhất căng-tin, cười: “Ở đây nuôi chuột mà chị! Gốc cây gần nhà bếp còn có mấy cái hang chuột sâu hoắm”.

Mấy ngày đó, căng-tin huy động toàn bộ nhân viên cọ ghế, cọ tủ lạnh bởi “sắp có đoàn kiểm tra”. “Xem còn gì mốc meo trong tủ thì lấy ra hết đi! Có đoàn kiểm tra, không ai được để đồ ăn xuống đất đấy nhé!”, chị N. liên tục nhắc nhở.

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty luật Dragon − “Phụ huynh có thể khởi kiện”: Nếu phụ huynh phát hiện ra bếp ăn ở trường con em mình cung cấp đồ ăn bẩn, không đạt chất lượng, hãy cung cấp những thông tin, bằng chứng tới các cơ quan có thẩm quyền như UBND tỉnh, thành nơi trường đặt trụ sở; Sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành; Chi Cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành. Nếu con bị đau bụng, ngộ độc vì đồ ăn ở trường, phụ huynh có thể làm đơn khởi kiện đơn vị cung cấp đồ ăn đòi bồi thường thiệt hại khi có các bằng chứng chứng minh về việc con bị ngộ độc do ăn thức ăn ở trường, cụ thể là kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Nếu nhiều em cùng ngộ độc, tất cả các phụ huynh có thể cùng làm đơn khởi kiện đơn vị cung cấp đồ ăn hoặc ủy quyền cho một người đại diện làm đơn khởi kiện. Các phụ huynh nên đến các đơn vị tư vấn luật để được tư vấn cụ thể về thủ tục khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Theo tôi, phụ huynh cần quan tâm đến bữa ăn tại trường của con em mình để kịp thời phát hiện.

TIÊU CHUẨN CĂNG-TIN: Theo quyết định 41/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế, căng-tin phải đảm bảo các tiêu chuẩn: • Môi trường xung quanh sạch sẽ • Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và duy trì chế độ lau rửa hàng ngày sạch sẽ • Mọi thực phẩm bày bán tại căng-tin đều phải có nguồn gốc an toàn, đầy đủ nhãn mác theo quy định • Nhân viên phục vụ được khám sức khỏe ít nhất một năm một lần, có giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo thực hành tốt vệ sinh cá nhân • Thực hiện chế độ lưu mẫu thực phẩm 24 giờ.

20150511_BuaAnHocSinh_03

Quang cảnh bếp ăn một trường tiểu học

20150511_BuaAnHocSinh_01

Những quả trứng cút đông lạnh màu xanh xám

20150511_BuaAnHocSinh_02

Dầu ăn chuyển sang màu đen vẫn được tái sử dụng

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua