Giúp trẻ có nhiều ý tưởng bằng kỹ thuật 6–3–5

Nằm trong loạt bài về các phương pháp học tập nhóm, TTGĐ giới thiệu đến bạn kỹ thuật 6-3-5, giúp trẻ tự tin đưa ý tưởng sáng tạo

6–3 –5 là kỹ thuật làm việc nhóm, nhằm phát huy ý tưởng của tất cả các thành viên trong nhóm. Người sáng tạo ra kỹ thuật 6–3–5 là ông Bernd Rohrbach; một chuyên gia marketing người Đức. Phương pháp này được công bố trên một tạp chí của Đức vào năm 1968; đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; nhưng chủ yếu là trong kinh doanh, tiếp thị, thiết kế, viết, học tập. Bạn có thể dạy cho con hoặc áp dụng cho chính nhóm của mình.

6 người, 30 phút và 108 ý tưởng

Mô hình thông thường của một nhóm theo kỹ thuật này gồm 6 thành viên. Mỗi thành viên cần viết ra 3 ý tưởng trong im lặng; cho một vấn đề trong khoảng thời gian 5 phút. Những con số này đã cấu thành nên tên gọi của kỹ thuật 6–3–5.

Kết thúc vòng 1, mọi người chuyển tờ ý tưởng của mình sang cho người ngồi bên tay phải. Dựa vào ý tưởng của người khác này; mỗi thành viên tiếp tục viết thêm vào tờ ý tưởng 3 ý tưởng khác cũng trong thời gian 5 phút.

Lần lượt cho đến khi mỗi người đều đã thêm 3 ý tưởng vào các tờ ý tưởng chuyển đến tay mình. Như vậy, từ 6 người, trong 30 phút, chúng ta có 108 ý tưởng. Cuối cùng, các ý tưởng được tổng hợp lại; thảo luận để tìm ra ý tưởng khả thi nhất.

Nền tảng của kỹ thuật 6–3–5 là sự thành công của một quá trình tạo ý tưởng; được xác định bởi mức độ đóng góp và tích hợp các ý tưởng khác nhau của mọi thành viên. Bạn có thể điên đầu không nghĩ ra ý tưởng gì mới mẻ khi ngồi động não một mình. Khi làm việc nhóm theo kỹ thuật 6–3–5; chỉ cần gặp được một gợi nhắc nào đó từ các thành viên; bạn có thể tích hợp, phát triển thành một sáng tạo tuyệt vời.

Với cách thức hoạt động này, kỹ thuật 6–3–5 vượt qua rất nhiều rào cản đối với quá trình sáng tạo. Điển hình nhất là xung đột ý kiến giữa các cá nhân; và sự nhút nhát của các thành viên khi tham gia thảo luận nhóm.

Có thể linh hoạt thành viên

Vì sao cha đẻ của kỹ thuật này lại chỉ xây dựng nhóm 6 người? Vì đây là con số giúp người điều hành có thể quản lý tốt nhóm. Mặc dù vậy, số người tham gia nhóm không cố định. Bạn có thể hình thành nhóm 4, 5 hoặc 7 người với số ý tưởng tạo ra tương ứng là 48, 75 và 147.

Số ý tưởng và thời gian mỗi vòng cũng không cố định. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi thời gian và quy định về số ý tưởng; tùy thuộc tính đơn giản hay phức tạp của vấn đề cần giải quyết. Thông thường, các vấn đề phức tạp cần thêm chút thời gian; để có thể cho ra ý tưởng tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo thành viên suy nghĩ tích cực; thời gian chỉ nên kéo dài tối đa 10 phút.

Kỹ thuật 6–3–5: Nhiều ưu điểm

Do nhóm nhỏ, hoạt động xoay vòng lại có người giám sát với quy định khắt khe về thời gian; số lượng ý tưởng nên các thành viên trong nhóm đều buộc phải làm việc. Việc tiến hành cũng rất đơn giản, không đòi hỏi về không gian. Chiếc bàn tròn là không gian lý tưởng để bắt đầu.

Điều tuyệt vời nhất của kỹ thuật 6–3–5 là khả năng khuyến khích sự chia sẻ; trao đổi kiến thức và truyền cảm hứng cho nhau để đạt đến kết quả tốt nhất. Nó khơi gợi được sự tích cực, cống hiến của mọi thành viên; bất kể người đó hướng ngoại hay hướng nội.

Các ý tưởng đều được ghi lại trên tờ giấy nên không cần người ghi lại.

Bài: THỊNH PHÚ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua