Giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả như thế nào?

Để giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả, cần cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm càng tốt, nhưng cần đảm bảo giáo viên có đủ trình độ và phương pháp dạy chuẩn

Ngay từ khi bé Chích Bông tròn 3 tuổi, chị Nguyễn Thanh Ngọc, ở Q. Hoàng Mai, Hà Nội, đã cho con làm quen với tiếng Anh bằng việc xem clip, phim hoạt hình. Buổi tối, hai mẹ con đi dạo cũng là khi chị dạy con từ mới về các sự vật bắt gặp trên đường như cây cối, ô-tô, xe máy, nhà cao tầng, thang máy, chú bảo vệ… Biết con thích những nhân vật hoạt hình như người nhện, siêu nhân, công chúa, chị Ngọc cũng dạy con những từ đó. Tuy nhiên, chị Ngọc cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, cảm thấy băn khoăn về cách giúp trẻ học tiếng anh hiệu quả.

Giúp trẻ học tiếng anh hiệu quả như thế nào?

SONG NGỮ TỪ TUỔI LÊN 3

giup tre hoc tieng anh hieu qua hinh anh 1

Thấy con hứng thú, chị Ngọc quyết định đăng ký cho con học mầm non chất lượng cao, có chương trình dạy tiếng Anh với giá 3 triệu đồng/tháng và các khóa học tiếng Anh 3 tháng tại trung tâm Anh ngữ.

“Chương trình học nhẹ nhàng, nhiều trò chơi nên con bắt nhịp nhanh và phát âm khá ổn. Hai vợ chồng chỉ thu nhập trung bình nhưng bé là con một nên tôi muốn đầu tư cho con học tiếng Anh ngay từ tuổi mầm non. Tôi muốn đây sẽ trở thành bước đệm cho con học tốt ngoại ngữ sau này, chứ không như bố mẹ lớn rồi mới học không hiệu quả”, chị Ngọc hào hứng.

Lợi ích nhìn thấy rõ ở những trường mầm non song ngữ, quốc tế là trẻ được múa hát, chơi trò chơi bằng tiếng Anh, học nói, nghe kể chuyện, nói chuyện bằng tiếng Anh. Mặt khác, nhiều trường tiểu học chất lượng cao, song ngữ trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều tổ chức kiểm tra khả năng tiếng Anh của các bé trước khi vào lớp 1. Vì thế, để giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả, phụ huynh chấp nhận trả học phí có khi bằng cả tháng lương để con được quen với môi trường tiếng Anh từ lúc 3–4 tuổi.

Nắm được nhu cầu đó, trường mầm non song ngữ, quốc tế mọc lên như nấm sau mưa. Để chấn chỉnh tình trạng “trăm hoa đua nở” đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành công văn cấm các trường mầm non dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ, nhưng chỉ một tháng sau lại cho phép thí điểm dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non. Theo đó thì các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cần đảm bảo các điều kiện: cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu học ngoại ngữ của trẻ; giáo viên có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Ngoại ngữ (hoặc Cao đẳng Ngoại ngữ) trở lên; nội dung và tài liệu phải được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định và cho phép thực hiện.

Bà Trần Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng trường mầm non Globe Kids (Q. Cầu Giấy, Hà Nội), băn khoăn: “Một khi đã đồng ý cho dạy thì bộ nên xây dựng khung chương trình cụ thể, tiêu chí cụ thể để chúng tôi căn cứ vào đó lên chương trình, bố trí lớp học và cấp trên về thẩm định. Chúng tôi đã trình chương trình dạy tiếng Anh lên phòng giáo dục phê duyệt, phòng giáo dục sẽ trình lên sở. Rất mong ngoài các chương trình được sở phê duyệt, sẽ có những định hướng cho nhà trường tự xây dựng chương trình dựa trên chỉ số, tiêu chí và khung chương trình đã được đưa ra”.

MỘT HỌC SINH “CÕNG” NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH

Lớp 1 và lớp 2, tiếng Anh ở trường tiểu học là môn học tự chọn, không cho điểm. Từ lớp 3 trở lên, tiếng Anh mới là môn bắt buộc và có giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì là “tự chọn” nên xảy ra tình trạng mỗi trường một kiểu dạy, một giáo trình.

Bé Phương Anh (học sinh lớp 2, Q. Hà Đông, Hà Nội) đang học theo giáo trình First Friends, học 2 tiết/tuần và đóng phí 60.000 đồng/tháng. Chị Bích Ngọc, phụ huynh của bé Phương Anh, phàn nàn: “Cháu đi học về, tôi kiểm tra thì thấy cháu phát âm hoàn toàn sai, thậm chí không nhớ được nghĩa của từ đơn giản. Tôi ủng hộ dạy tiếng Anh từ sớm nhưng với cách dạy như hiện nay, lớp đông, cô không chú ý uốn nắn cách phát âm thì có lẽ lợi bất cập hại”.

Cũng học lớp 2 trường công lập nhưng bé Thùy Dương (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) lại học theo giáo trình UK English Programme của Learning Box và học thêm lớp tiếng Anh tăng cường ở trường vào lúc 4 giờ 30 – 6 giờ chiều. Điểm thu hút của lớp học tăng cường này là có giáo viên nước ngoài dạy, mỗi tuần học 2 buổi và học phí 500.000 đồng/tháng. “Năm ngoái, con học mỗi tuần một tiết tiếng Anh, chưa hết quyển sách đã hết năm học. Còn năm nay, giáo viên dạy không cố định, mỗi buổi một cô, học hành lớt phớt. Tôi buộc phải cho con đi học thêm lớp tiếng Anh tăng cường, nhưng lớp này vẫn bất ổn vì quá đông, nhà trường xếp lẫn lộn cả lớp 1, lớp 2, lớp 3 học cùng nhau. Thời gian học vào cuối giờ chiều, khi đó học sinh đã quá mệt và đói sau hai buổi học trên lớp, không biết con có nạp được thêm chút kiến thức nào không”, chị Ngọc Dung, phụ huynh của bé Thùy Dương, lo lắng.

TRƯỜNG TRƯỜNG LIÊN KẾT

giup tre hoc tieng anh hieu qua hinh anh

 

Từ lớp 3 đến lớp 5, mặc dù đã có chương trình học bắt buộc trên lớp nhưng học sinh đa phần vẫn tham gia lớp tiếng Anh tăng cường. Lớp tiếng Anh tăng cường chủ yếu do nhà trường liên kết với một trung tâm ngoại ngữ mở ra, có giáo viên nước ngoài dạy và thu phí. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản quy định rõ “không được ép buộc học sinh tham gia học chương trình liên kết dưới mọi hình thức”, nhưng đa số phụ huynh đều “không dám” không đăng ký cho con học.

Chị Dương Thùy Vân (Q. Ba Đình, Hà Nội) kể năm ngoái đã từng ký giấy “không đồng ý cho con đi học lớp tiếng Anh tăng cường” (lớp con chị có 6 học sinh không đăng ký học). Kết quả là cô giáo chủ nhiệm thẳng thắn nói “không học thì ra khỏi lớp” và cứ đến 3–4 giờ chiều là cả 6 học sinh không đăng ký học tiếng Anh “được” giáo viên lùa sang một lớp học trống bên cạnh. “Những em không học phải dắt díu nhau sang phòng khác tá túc cho hết giờ, tôi nghĩ mà tội con. Vì vậy, dù đã cho con học thêm ở trung tâm nhưng tôi đành đăng ký lớp tiếng Anh tăng cường trong trường, phí 200.000 đồng/ tháng”, chị Vân bộc bạch.

Bà Đỗ Thanh Hường, trường Đào tạo Anh ngữ Cedutra Việt Nam, chia sẻ: “Bản thân tôi có hai cậu con trai, một cháu 10 tuổi và một cháu 4 tuổi. Tôi hỏi cảm nhận của con khi học tiếng Anh ở trường thì các con đều nói là chán, mệt và buồn ngủ. Tôi kiểm tra phần phát âm thì các cháu nói không chuẩn vì lớp đông, cô không thể chỉnh sửa cho từng cháu. Về chương trình, các cô phải chạy để kịp tiến độ nên các con không có nhiều thời gian thực hành, vận động. Do vậy, tôi băn khoăn là nếu ngay từ đầu cho các con học đã không mang tính tự nhiên, học theo cách nhồi nhét thì sẽ làm cho các con sợ, học với tâm lý đối phó và không tập trung”.

Theo bà Thanh Hường, liên kết giảng dạy ngoại ngữ của các trung tâm với nhà trường, học sinh được học với giáo viên nước ngoài là cần thiết và hữu ích khi chương trình tiếng Anh ở trường không đáp ứng chất lượng và phụ huynh không có nhiều thời gian đưa đón con. “Tuy nhiên, nếu không có sự sàng lọc chất lượng trung tâm và giảng viên, sẽ gây phản tác dụng. Với thời lượng học 45 phút, giáo viên phải truyền đạt cho ít nhất 50 cháu. Tính ra mỗi cháu không được 1 phút tương tác với giáo viên. Đó là chưa kể giáo viên còn phải ổn định trật tự với lớp học đông như vậy”, bà Hường nhận định.

ĐỂ NGOẠI NGỮ KHÔNG TRỞ THÀNH “NGẠI NGỮ”

Thạc sỹ khoa học giáo dục Phạm Thị Ngọc Thúy, giám đốc điều hành trường phổ thông Hoàng Diệu – Victoria, phân tích: “Chưa có một trường cao đẳng, đại học nào trên cả nước có mã ngành đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học. Đa phần các trường tiểu học không có biên chế giáo viên tiếng Anh. Ngân sách nhà nước lại rất eo hẹp nên chỉ có thể chi trả giáo viên 30–35 nghìn đồng/tiết dạy. Trong khi dạy bên ngoài, giáo viên được trả gấp đôi, thập chí gấp ba lần. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên dạy tiếng Anh theo chương trình thí điểm không dạy quá 18 tiết/tuần, tức 72 tiết/ tháng. Như vậy, nếu không có các khoản phụ cấp khác, tổng thu nhập của một giáo viên tiếng Anh tiểu học chỉ ở mức 1,4 – 2,1 triệu đồng/tháng. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng chất lượng giảng dạy không đồng đều, nguồn giáo viên thường xuyên thay đổi và để giáo viên tiếng Anh tiểu học toàn tâm toàn ý cho việc dạy học là một việc vô cùng khó khăn”.

Theo bà Ngọc Thúy, để giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả, cần xoá bỏ quan niệm lớp 3 mới bắt buộc học ngoại ngữ. “Trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm càng tốt, bởi cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ giúp trẻ dễ bắt chước các cách phát âm khác nhau hơn. Nếu chúng ta bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ dễ dàng nhất này của trẻ thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn”, bà nhấn mạnh.

Bà Thúy kiến nghị: “Dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam cần phải chuẩn hóa ba thứ: Chuẩn về sách, băng đĩa để thống nhất chương trình học giữa các trường. Chuẩn về trang thiết bị dạy học. Trẻ cần được học bằng tất cả các giác quan, nghe, nhìn, nếm, ngửi, vừa học vừa chơi, vận động, kết nối giữa cái đang học với vật thật… thì việc học mới hiệu quả. Chuẩn về đội ngũ giáo viên. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng trẻ “ngại” học ngoại ngữ như hiện nay”.

GIÚP CON HỌC NGOẠI NGỮ HIỆU QUẢgiup tre hoc tieng anh hieu qua hinh anh 2

Bà Đỗ Thanh Hường, trường Đào tạo Anh ngữ Cedutra Việt Nam, tư vấn cách giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả: “Người lớn học ngôn ngữ có khi phải mất vài năm, thậm chí cả chục năm cũng khó đạt đến mức sử dụng thành thạo. Điều này là do não người lớn đã mất đi tính hấp thu và tính sáng tạo vốn có ở trẻ nhỏ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Độ tuổi thích hợp nhất để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh là độ tuổi mẫu giáo. Trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ sớm có thể xảy ra tình trạng đang nói tiếng Việt pha cả tiếng Anh. Đây là điều hoàn toàn bình thường, không có gì là rối loạn cả. Tuy nhiên, theo thời gian, bố mẹ nên nói để trẻ biết phân biệt rạch ròi tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ.

Trẻ rất dễ tiếp thu nhưng chưa biết phân biệt đúng sai. Vì thế, nếu bạn phát âm không chuẩn mà dạy con thì con sẽ vô tình tiếp nhận cả cái sai đó. Hãy khuyến khích trẻ học tiếng Anh bằng nhiều cách. Với trẻ mẫu giáo, nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh qua các bài hát, câu chuyện, tô màu, diễn kịch… Trẻ lớn hơn có thể tham gia các hoạt động như xem và bình luận phim, tổ chức picnic với các trò chơi tiếng Anh, vẽ tranh, sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh theo chủ đề.

Học đi kèm với các hoạt động giải trí không những giúp trẻ có một vốn tiếng Anh tốt, giao tiếp tự nhiên, phát âm chuẩn mà còn tránh được việc ghi chép thụ động như vẫn làm trên lớp hàng ngày. Rất nhiều bà mẹ đã chịu khó đi học tiếng Anh để về trò chuyện cùng con và dạy con học tại nhà hiệu quả. Đó là một lựa chọn có lợi cho cả hai mẹ con”.

Bài: Thu Hà

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua