Khi mang bầu, bên cạnh hạnh phúc được làm mẹ thì người phụ nữ phải đối mặt với khá nhiều triệu chứng khó chịu giữa thai kì. Một trong số đó là sưng, phù bàn chân.
Sưng bàn chân xuất hiện ở cuối thai kì
Ở những phụ nữ mang bầu lần đầu, suy tĩnh mạch dẫn đến sưng phù bàn chân khá nặng nề. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng bởi đây là hiện tượng sinh lý bình thường.
Sưng phù bàn chân có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kì. Song thường phổ biến ở những tháng cuối. Tức là khoảng tuần thai thứ 28 trở đi. Khi ấy, trọng lượng thai nhi ngày càng to, chiếm thể tích lớn trong khoang bụng mẹ. Điều này tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch phía dưới, khiến máu khó lưu thông, gây phù nề thậm chí sưng tấy.
Bàn chân bị sưng phù không gây đau đớn nhưng khiến thai phụ cảm thấy bất tiện. Các yếu tố góp phần tạo nên hiện tượng này bao gồm:
– Thời tiết nóng nực
– Chế độ ăn uống mất cân bằng
– Lượng caffeine trong cơ thể cao
– Uống không đủ nước
– Đứng quá lâu trong một tư thế
Các biện pháp đối phó với chứng sưng phù
Giảm lượng Natri
Một cách để giảm sưng chân hiệu quả khi mang thai là hạn chế lượng Natri. Muối khiến cơ thể bạn tích nước. Hãy tránh những thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn. Đồng thời giảm lượng muối trong các món ăn hàng ngày. Bạn có thể tăng thêm hương vị cho món ăn mà không cần dùng đến muối bằng các loại rau thơm như hương thảo, kinh giới, cỏ xạ hương…
Tăng lượng Kali
Thiếu hụt Kali có thể khiến tình trạng sưng tấy trở nên tồi tệ hơn. Vì chúng giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Bổ sung các loại thực phẩm sau: Khoai tây, khoai lang (cả vỏ, chuối, rau chân vịt, sữa chua, củ cải… để gia tăng Kali cho cơ thể.
Giảm lượng caffeine
Nạp quá nhiều caffeine không tốt cho thai nhi. Nó cũng khiến tình trạng sưng tấy trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy thử một ly cà phê decaf, trà thảo mộc để tăng cường sự tỉnh táo.
Uống nhiều nước hơn
Khi cơ thể cảm thấy đang bị mất nước, nó sẽ giữ lại nhiều chất lỏng hơn để bù đắp. Uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để giúp thận đào thải những chất độc hại.
Nâng cao chân khi ngồi
Hãy cố gắng ngồi với tư thế gác chân lên một vật nào đó. Về cuối ngày, tư thế nâng cao chân khi ngồi sẽ giúp thoát bớt chất lỏng tích tụ ở chân cả ngày.
Mặc quần áo rộng rãi thoải mái
Mặc quần áo chật, đặc biệt là bó quanh cổ tay, cổ chân khiến tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng. Nó khiến máu không thể lưu thông dễ dàng. Nếu mang thai vào mùa đông, bạn có thể mang một lớp quần tất mỏng nhẹ trước khi mặc quần rộng ra bên ngoài. Tương tự, bạn cũng nên mang những đôi giày vừa chân để tạo cảm giác thoải mái. Hạn chế đi giày cao gót trong thời điểm này.
Đi bộ, bơi lội và massage
5-10 phút đi bộ vài lẫn mỗi ngày giúp cải thiện tuần hoàn máu. Bơi lội cũng là cách tập thể dục nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, massage giúp bà bầu thư giãn.
Ngủ nghiêng về bên trái
Nằm ngủ nghiêng về bên trái có thể cải thiện lưu thông máu. Tư thế này cũng làm giảm cáp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới. Đây là mạch máu lớn có chức năng đưa máu về tim.
Gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường
Hầu hết người ta quan niệm sưng chân là dấu hiệu sắp đến ngày sinh. Song bạn vẫn nên cẩn thận với một vài trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Trong số đó là phù chân tiền sản giật. Hãy đến gặp bác sĩ khi mẹ bầu gặp các triệu chứng sau:
– Chân, tay, mặt sưng lên một cách bất thường
– Sưng tấy kèm đau nhức
– Chóng mặt hoa mắt
– Đau đầu dữ dội
– Thai phụ khó thở
– Các triệu chứng nôn mửa
Ngoài ra, khi một trong hai bên chân bị phù nề nhiều hơn chân còn lại, bà bầu nên đến gặp bác sĩ bởi đây có thể là dấu hiệu hình thành các cục máu đông.
(Theo Healthline)
Tiếp Thị Gia Đình