Giáo dục con tốt hơn từ chính gia đình của mỗi học sinh

Việc học vốn bao la nhưng lại trở thành lối mòn bế tắc và áp lực với học sinh Việt Nam. Khi nào việc tiếp nhận kiến thức mới trở thành nỗi vui sướng của học sinh?

Những ngày qua, trong bầu không khí nóng bỏng của World Cup thì các phụ huynh; học sinh Việt Nam cũng “bỏng cháy” không kém. Từ đề thi toán siêu khó mà giáo sư nước ngoài cũng bó tay giải trong thời lượng cho phép; đến cảnh phụ huynh ôm mặt khóc vì con không đậu vào lớp 10…

Mới đây nhất, điểm thi đại học ảo diệu tại tỉnh Hà Giang cũng đang là đề tài được dư luận quan tâm. Hàng ngàn sĩ tử lo lắng chờ kết quả thi đại học như một con đường duy nhất vào đời (cũng là trọng trách phải đỗ vì thể diện gia đình)… Học sinh, sinh viên ta lo lắng về việc học có khi nhất thế giới nhưng tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường lại rất cao.

Giáo dục: 1.001 kiểu dở cười dở khóc

Trong bối cảnh kịch tính đó thì các học sinh từ tuổi ngấp nghé tiểu học đến THPT đổ xô đi học hè để không thua kém chúng bạn… Mùa nghỉ hè của học sinh nước ta cũng chính là mùa cao điểm căng thẳng “đèn sách đi tắt đón đầu”.

Việc học tại nước ta đang quá nặng. Các môn học dàn trải và khó không cần thiết; chưa có tính thực nghiệm và khuyến khích tư duy sáng tạo… Những vấn đề này, ai cũng nhìn thấy. Báo chí năm nào cũng nói đến; nhất là mùa thi cử nhưng có vẻ như ngành giáo dục càng đi càng rối.

Dư luận sục sôi không chỉ vì những khúc mắc; bất cập của việc học hành thi cử. Vì nếu học đến mờ mắt, lao lực để thành tài thì cũng bõ công. Nhưng con số vài trăm ngàn sinh viên thất nghiệp khiến người dân không thể không lo lắng. Các công ty tuyển dụng cả trong nước và nước ngoài hầu hết cho rằng những thứ sinh viên được học trong trường đang lỗi thời; nặng về lý thuyết, không đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay.

Nhiều phụ huynh học sinh vẫn có tâm lý phải có bằng cấp “trường ngon” thì mới dễ xin việc, dễ vào biên chế… đã khiến con đường tương lai của thế hệ trẻ trở nên hình thức, giới hạn về tầm nhìn và tư duy.

Nhiều nhà trường, thầy cô vẫn chạy theo thi đua, thành tích nên càng khiến việc học của học sinh trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Việc học một nghề nào đó để nuôi thân nếu trượt đại học vẫn bị các gia đình coi là “nỗi nhục”; “không dám nhìn ai”…

Mơ ước của học sinh thời 4.0 được gửi vào game online; K-pop, yêu đương và trà sữa… Một phần lí do vì chúng ác cảm với việc học chứ không phải do lười học. Báo chí những ngày qua đưa ra vấn đề con em quan chức thì đi học nước ngoài, con dân thường thì loay hoay trong đủ thứ cơ chế, cải cách thí điểm.

Mặc dù ngành giáo dục đã có tầm nhìn phải đưa cách mạng công nghệ 4.0 vào giáo dục hiện đại nhưng có vẻ như sự cồng kềnh về tư duy cũ đang trói tay trói chân các chuyên gia giáo dục nước ta. Bản thân bộ trưởng giáo dục cũng đưa ra đề xuất nhập tài liệu học cấp đại học của nước ngoài về giảng dạy, tuy nhiên việc này cũng gây nhiều tranh cãi.

Giao duc hinh anh 1

Giáo dục Việt Nam là câu chuyện: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Lối thoát nào cho giáo dục? Giải pháp từ gia đình

Trong khi chờ những cải cách, điều chỉnh từ ngành giáo dục; bản thân phụ huynh cũng nên có cái nhìn mới về việc học của con em mình. Việc ép con học giỏi hay gây áp lực cho con từ nhỏ phải học thêm quá nhiều là trái tự nhiên; không tốt cho tương lai của con.

Lúc này, bạn có thể say sưa chạy theo vài điểm số của con ở trường để thấy yên tâm và hãnh diện. Nhưng 10 năm sau, xã hội đã thay đổi chóng mặt; những đứa trẻ hôm nay học gạo sẽ trở nên vô dụng. Tư duy của chúng đã bị nhào nặn trong áp lực và nỗi sợ, sự sáng tạo; phản biện, kết nối trong chúng dần trở nên thui chột.

Dạy cho con ham thích với việc học quan trọng hơn việc con học giỏi

Dạy con thành nhân trước khi thành công. Ở trường, con chỉ cần học đạt yêu cầu là được. Nhưng bạn hãy đảm bảo con mình được đọc những cuốn sách hay nhất; biết cách sử dụng tiếng Anh thành thạo; biết cách tra cứu Internet để khám phá thế giới kiến thức; hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử để có thể hãnh diện về quê hương đất nước mình…

Tích cực trao đổi với con về mọi điều; khuyến khích con nói lên suy nghĩ và ước mơ của mình chứ không ép con thực hiện ước mơ của bố mẹ. Điều quan trọng là những đứa trẻ được hạnh phúc, được phát triển bản thân lành mạnh, yêu lao động chân chính chứ không phải “yêu việc nhẹ lương cao”; say sưa với việc học và hoạt động cộng đồng…

Bạn có thể dễ dàng tìm được các phương pháp dạy con theo kiểu người Nhật, Mỹ… trên mạng Internet và ngoài hiệu sách. Đừng chỉ phó mặc cho nhà trường vì nền tảng đầu tiên cho con chính là từ gia đình.

Đừng để con mình khổ vì học!

Hãy để kiến thức và việc ham học chắp cánh cho con. Hãy trao cho con chìa khóa tri thức chứ đừng cố nhồi nhét mọi thứ vào đầu con để mong con giỏi nhất. Học giỏi là một từ vô nghĩa với tương lai. Tư duy giỏi mới sống tốt! Người có tư duy sẽ biết cách hạnh phúc, thành công!

Bài: HẢI SƠN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua