Gian nan thực hiện quyền nhờ mang thai hộ

Từ ngày 15–3–2015, các cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ. Liệu có rắc rối nào về mặt pháp lý và thực hiện? Phải liên hệ cơ quan nào, làm sao để tiến hành việc nhờ mang thai hộ... là những câu hỏi mà nhiều người quan tâm

Cần có thỏa thuận giữa bên nhờ và bên mang thai hộ

TTGĐ đã có cuộc trao đổi với ThS–BS. Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản (CGRH), khoa Y, Đại học Quốc gia TP. HCM về vấn đề này.

TTGĐ: Những cơ sở nào được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, thưa bác sỹ?
BS. HỒ MẠNH TƯỜNG: Có ba cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. HCM.

TTGĐ: Quy định là vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ phải qua tư vấn y tế, tâm lý, pháp lý… bệnh viện có hỗ trợ việc này không?
BS. HỒ MẠNH TƯỜNG: Cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.

 

Chi phí thực hiện kỹ thuật mang thai hộ khoảng 50–60 triệu đồng/ca

 

TTGĐ: Ngoài các cặp vợ chồng hiếm muộn, những người bị bệnh nan y như ung thư, lupus ban đỏ, HIV… có được phép nhờ mang thai hộ?
BS. HỒ MẠNH TƯỜNG: Hiện nay, chỉ những người thuộc nhóm có tử cung không thể mang thai mới được chỉ định thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Nhóm mang những bệnh mà khi mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng cũng có thể được xem xét để thực hiện kỹ thuật này.

TTGĐ: Có điều kiện gì đối với người mang thai hộ không ạ?
BS. HỒ MẠNH TƯỜNG: Người mang thai hộ phải là người trong họ hàng và phải cùng hàng về quan hệ máu mủ như chị em ruột, chị em họ. Không thể nhờ mẹ hay cô dì mang thai hộ. Ngoài ra, người mang thai hộ phải từng sinh con và có đủ điều kiện ổn định về sức khỏe, tâm lý.

Mỗi cặp vợ chồng chỉ được nhờ mang thai hộ một lần. Người mang thai hộ cũng chỉ được thực hiện một lần.

TTGĐ: Sau khi đứa bé chào đời, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cần làm gì để nhận lại con?
BS. HỒ MẠNH TƯỜNG: Bệnh viện chỉ cấp một giấy chứng sinh cho người mang thai đứa bé đó. Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ trao đổi với người mang thai hộ để lấy giấy chứng sinh, sau đó mang hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật này đến phường, xã để khai và xin làm giấy khai sinh cho con. Trường hợp người mang thai hộ không muốn trao lại đứa trẻ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ từ chối nhận con, có thể nhờ tòa án can thiệp.

20151303_tieudiem_mangthaiho-1

TTGĐ: Bác sỹ suy nghĩ thế nào về nghị định này?
BS. HỒ MẠNH TƯỜNG: Theo tôi, đây là tin vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, ngoài việc có điều kiện về kinh tế, các cặp vợ chồng phải đi qua một đoạn đường hết sức gian nan và khó khăn để hoàn tất các thủ tục giấy tờ. Họ còn có thể gặp những rắc rối khác như đã nói ở trên. Tôi hy vọng, những quy định về thủ tục giấy tờ sẽ được đơn giản hóa trong tương lai.

TTGĐ: Xin cảm ơn bác sỹ.

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ GỒM HƠN 10 LOẠI GIẤY TỜ

− Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; bản cam kết tự nguyện mang thai hộ; bản cam đoan chưa mang thai hộ lần nào; bản thỏa thuận giữa hai bên

− Bản xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng chưa có con chung của vợ chồng

− Bản xác nhận của cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ; bản xác nhận đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai

− Bản xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự chứng minh về mối quan hệ thân thích trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan

− Bản xác nhận đồng ý của chồng người mang thai hộ

− Bản xác nhận tư vấn của bác sỹ sản khoa, chuyên gia tâm lý, luật sư.

Ảnh mang tính chất minh họa – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua