Bạn có biết, một trong những nguyên nhân khiến chúng ta luyện tập chăm chỉ và ăn kiêng nghiêm ngặt nhưng không thể giảm cân là vì thiếu chất béo? Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, không nên cắt giảm hoàn toàn chất béo trong khẩu phần giảm cân. Nó là chất dinh dưỡng thiết yếu, cần chiếm 25–30% trong tổng số năng lượng hàng ngày. Thậm chí, ăn đủ chất béo còn giúp đốt cháy chất béo hiệu quả. Tại sao sự thật có vẻ ngược đời như vậy? Mời bạn đi tìm câu trả lời ở những vai trò quan trọng của chất béo cũng như phương pháp giảm cân bằng chất béo sau đây.
Vai trò của chất béo
√ Cung cấp năng lượng: Chất béo cung cấp năng lượng cao gấp đôi so với tinh bột hay chất đạm. Khi bạn không ăn chất béo, cơ thể sẽ không có đủ nhiên liệu để đốt cháy calorie. Bên cạnh đó, nếu thiếu chất béo mới nạp vào, cơ thể khó có thể khó đốt cháy chất béo trong cơ thể, đặc biệt là vùng mông đùi, bụng vốn khó bị phá hủy.
√ Giúp no lâu hơn: Chất béo nằm trong hệ tiêu hóa lâu hơn các dưỡng chất khác, ổn định lượng đường trong máu, tạo cảm giác no lâu.
√ Giúp bạn hạnh phúc hơn: A-xít béo omega-3 giúp tăng nồng độ serotonin trong não, cải thiện tâm trạng. Khi buồn chán, bạn dễ ăn vặt với thức ăn thiếu lành mạnh.
√ Xây dựng cơ bắp, tăng sự trao đổi chất: “Ăn chất béo tốt cùng với một chương trình tập luyện có thể làm tăng cơ bắp”, là lời khuyên của một huấn luyện viên nổi tiếng tại Mỹ. Khối lượng cơ bắp là yếu tố quan trọng để giúp cơ thể tăng cường sự trao đổi chất và đốt cháy calorie cả khi bạn tập hay không tập thể dục. Đây là lý do của việc giảm cân bằng chất béo.
√ Tăng cường hấp thu dưỡng chất: Các chất gồm vitamin A, D, E, và K sẽ không thể hấp thu vào cơ thể nếu bạn không ăn chất béo.
Mẹo để giảm cân bằng chất béo
Chất béo nên ăn
√ Chất béo không bão hòa đơn (MUFAs) tốt cho tim mạch, ngăn ngừa tình trạng béo bụng. Chất béo này có trong dầu ô-liu, hạt cải, hạnh nhân, điều, mè và quả bơ. Với 2–3 thìa canh/ngày là đủ cho nhu cầu của bạn. Nếu muốn giảm cân bằng chất béo, bạn hãy chăm ăn những loại thực phẩm này.
√ Chất béo không bão hòa đa: Có trong cá hồi, cá thu, cá trích, dầu hạt cải, đậu phụ… Ngoài omega-3, nhóm này có omega-6. Nên ăn thực phẩm giàu omega-3 vì quá nhiều omega-6 có thể dẫn đến viêm nhiễm và bệnh tim.
Chất béo nên cắt giảm
√ Chất béo bão hòa: Có trong các loại thịt, sản phẩm từ sữa. Bạn có thể cắt giảm chất béo này khi bỏ da, mỡ các loại thịt.
√ Chất béo chuyển hóa (transfat) thường có trong thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến (bánh quy, khoai tây chiên…). Các loại thực phẩm có ghi “Dầu thực vật hydrogen hóa một phần” (partially hydrogenated vegetable oil) cũng là chất béo chuyển hóa, bạn nên hạn chế dùng những thực phẩm có dòng chữ này trên bao bì.
Tiếp Thị Gia Đình