Trong đêm đầu tiên ngủ ở một nơi xa lạ, hầu hết chúng ta đều ít nhiều cảm thấy khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu và thức dậy với trạng thái loáng choáng, uể oải dù chăn drap gối nệm đều rất thoải mái. Điều gì đang xảy ra vậy?
Người lính gác đêm
Bạn vẫn đổ lỗi cho chứng khó ngủ vì lạ giường khi đi du lịch. Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Lần đầu tiên, các nhà khoa học tại Đại học Brown, Mỹ, dẫn đầu bởi bác sĩ Yuka Sasaki đã nghiên cứu về vấn đề này và tìm ra khái niệm khoa học mới: Hiệu ứng đêm đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 35 tình nguyện viên ngủ trong đêm đầu tiên ở một nơi lạ. Máy chụp cộng hưởng từ, các điện cực… được gắn vào đầu và tay họ để theo dõi sóng não, cử động mắt và nhịp tim.
Các nhà nghiên cứu nhận ra các tình nguyện viên mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu vào đêm đầu tiên là vì một phần của bán cầu não trái vẫn chăm chỉ hoạt động hơn so với bán cầu não phải. Khi các nhà nghiên cứu tạo ra tiếng ồn nhằm kích thích bán cầu não trái, khu vực bán cầu não trái phản ứng rất nhanh khiến tình nguyện viên thức dậy và ứng biến nhanh hơn so với khi kích thích bán cầu não phải.
Như vậy, kiểu ngủ không đối xứng bán cầu não xuất hiện trong đêm đầu tiên bạn đến môi trường mới chính là lời giải thích khoa học cho vấn đề khó ngủ vì lạ giường của bạn. Kiểu ngủ này cho phép một phần não bộ vẫn tỉnh táo để lãnh nhiệm vụ “người canh gác cô đơn”, theo dõi và kịp thời phát hiện những bất thường xung quanh, giúp bạn tự vệ ở môi trường mới. Sự bất đối xứng này hoàn toàn biến mất khi bạn ngủ đêm thứ hai. Đây là sự tiến hóa tuyệt vời của não bộ, là cơ chế tự bảo vệ mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người khi đến một nơi lạ.
Kiểm soát đêm đầu tiên
Nghiên cứu này có ý nghĩa gì với bạn? Chẳng ai muốn đến buổi họp, cuộc thi quan trọng vào sáng hôm sau với đôi mắt mệt mỏi và thần thái kém sắc chỉ vì thiếu ngủ. Khi biết đêm đầu tiên sẽ khó ngủ, bạn nên thu xếp đến nơi ở mới trước một đêm sự kiện quan trọng diễn ra. Ở đêm thứ hai, khi đã ổn định, thói quen ngủ sẽ trở lại bình thường, bạn sẽ ngủ ngon và thức dậy với diện mạo tươi tắn, tự tin.
Tác giả nghiên cứu, bác sĩ Yuka Sasaki cho hay, não người rất linh hoạt. Khi thường xuyên đi du lịch, công tác ở nơi mới lạ là bạn đang tập thói quen thích ứng cho não. Lúc đó, hiệu ứng đêm đầu tiên sẽ khó cản trở giấc ngủ của bạn.
Mẹo khắc phục:
• Để khắc phục chứng khó ngủ vì lạ giường bạn nên mang theo chiếc gối ngủ của mình để tạo cảm giác quen thuộc nhằm trấn an não bộ.
• Các loại trà có tính an thần, giúp thư giãn, ngủ ngon như trà hoa cúc, oải hương, bạc hà cũng có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ trong đêm đầu tiên đến chỗ mới.
• Trước khi ngủ, bạn có thể áp dụng kỹ thuật thở 4–7–8. Kỹ thuật này là một phương pháp an thần, đẩy ô-xy đến hệ thần kinh đối giao cảm nhiều hơn, giúp làm dịu kích thích, giảm căng thẳng để dễ ngủ và ngủ ngon. Trước tiên, bạn thở ra hoàn toàn qua miệng, tạo ra âm thanh “whoosh”. Tiếp theo, bạn mím miệng và hít vào bằng mũi cho đến khi đếm nhẩm tới 4. Giữ hơi thở cho đến khi bạn nhẩm đếm tới 7. Sau đó, bạn thở ra hoàn toàn qua miệng cho tới khi đếm nhẩm tới 8, tiếp tục tạo âm thanh “whoosh”. Lặp lại các chu kỳ này ít nhất 3 lần.
XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình