Giải đáp thắc mắc về chế độ ăn uống chống ung thư

Bạn có thật sự hiểu biết rõ về khái niệm “chế độ ăn uống chống ung thư”. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng, thực phẩm không có tác dụng điều trị ung thư, chúng chỉ góp phần làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư cho bạn

chất béo có lợi cho cơ thể cá hồi 1

Ảnh: Shutterstock

Mục tiêu chính của chế độ ăn uống chống ung thư là tăng cường khả năng miễn dịch và giảm viêm. Đồng thời nó đảm bảo cơ thể nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, khái niệm “chế độ ăn uống chống ung thư” có khá nhiều quan điểm trái chiều. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về việc thực phẩm nào tốt và không tốt cho bệnh nhân ung thư. Từ đó giúp tìm ra thực đơn có lợi nhất cho tình trạng của các bệnh nhân này.

Thắc mắc 1: Đường có thúc đẩy khối u ung thư phát triển?

Giống như mọi tế bào khác trong cơ thể bạn, các tế bào ung thư cũng sử dụng đường làm năng lượng để tồn tại và sinh sôi. Song nói vậy không có nghĩa là bệnh nhân ung thư cần kiêng đường tuyệt đối. Bởi một lượng đường trong giới hạn cho phép sẽ không có tác động trực tiếp đến sự phát triển của khối u. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị bạn chỉ nên tiêu thụ tối đa 40g đường/ngày.

Thắc mắc 2: Có nhất thiết phải tránh xa thịt?

Nếu tin vào lời khuyên: “Chỉ nên ăn rau quả, kiêng ăn thịt vì thịt vỗ béo tế bào ung thư”, bạn đã lầm! Đúng là một số loại thịt có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư cũng như tạo điều kiện cho khối u phát triển nhanh hơn. Chẳng hạn, tiêu thụ 100g thịt đỏ mỗi ngày làm tăng 36% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Và 40-60g thịt chế biến sẵn làm tăng 28% nguy cơ.

Tuy nhiên, thịt heo nạc và thịt gia cầm lại rất được khuyến khích sử dụng trong chế độ ăn uống chống ung thư. Bởi chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, giúp tăng cường sức khỏe để chống lại bệnh tật.

Thắc mắc 3: Cân nặng quá mức có ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh hoặc tái phát ung thư?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thừa cân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Có thể kể đến như ung thư vú, nội mạc tử cung, đại tràng, túi mật. Hoặc ung thư thận, tuyến tụy và thực quản. Mặc dù chưa được giải thích rõ, nhưng có thể hiểu là do chất béo dư thừa trong cơ thể làm tăng sản xuất hormone. Chúng sẽ gây ra tình trạng viêm mãn tính. Cũng như khó kiểm soát sự phát triển của tế bào khối u. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của các loại ung thư khác nhau.

Thắc mắc 4: Uống rượu có làm tăng nguy cơ ung thư?

Rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như hút thuốc. Ngay cả khi uống ít rượu cũng có liên quan đến việc tăng làm nguy cơ ung thư miệng; ung thư vòm họng; ung thư vú ở phụ nữ.

Ngoài ra, tiêu thụ rượu từ trung bình đến nhiều cũng có liên quan đến ung thư đại trực tràng và ung thư thanh quản. Trong khi các nghiên cứu cho thấy thường xuyên uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày, phổi, tụy và túi mật. Do đó, chỉ nên uống tối đa một ly mỗi ngày với phụ nữ và hai ly cho nam giới.

Các loại ung thư không liên quan đến tiêu thụ rượu bao gồm ung thư hạch Hodgkin, cổ tử cung. Ung thư buồng trứng, ung thư ruột non. Và ung thư nội mạc tử cung và bàng quang. Điều thú vị là một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bổ sung một chút rượu từ ít đến vừa trong chế độ ăn uống chống ung thư lại giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin, ung thư thận và tuyến giáp.

Thắc mắc 5: Thực hư về trào lưu “thực dưỡng chống ung thư”

Ảnh: Shutterstock

Phương pháp ăn uống thực dưỡng đang được rất nhiều người biết đến và áp dụng cho chế độ ăn uống chống ung thư. Không chỉ chữa ung thư, nó còn được truyền tai là chữa được nhiều bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp… Thực chất, để thực dưỡng đem lại hiệu quả trong phòng ngừa và trị ung thư. Người bệnh cần áp dụng phương pháp này đúng cách. Nếu không tìm hiểu mà nghe theo lời mách vô căn cứ. Bệnh nhân sẽ dễ rơi vào trạng thái suy kiệt thể lực và thậm chí tử vong.

Chế độ ăn thực dưỡng không chỉ là một phương pháp dinh dưỡng. Và nó còn là một lối sống và triết lý tinh thần. Khi theo đuổi phương pháp này, những người bệnh hướng tới mục tiêu ăn uống, sinh hoạt đúng quy luật để cơ thể luôn khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn.

Bạn cần nhớ “thực dưỡng” chủ yếu là ăn chay và rất chú trọng đến những thực phẩm có nguồn gốc từ hữu cơ. Ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các loại đậu, quả hạch, cá trắng…

Những thực phẩm cần tránh trong thực đơn “thực dưỡng chống ung thư” là các loại thịt, trứng, mỡ động vật. Hoặc sản phẩm sữa, thực phẩm chế biến sẵn… Lưu ý là không nên ăn thực dưỡng liên tục trong một thời gian dài vì dễ thiếu hụt dưỡng chất. Đặc biệt là vitamin B12 và canxi. Khi đó, người bệnh sẽ dễ gặp những yếu tố bất lợi trong quá trình điều trị ung thư như sụt cân quá mức, suy giảm sức khỏe.

Thắc mắc 6: Đồ nướng thì sao?

Bất kỳ loại thực phẩm nào được làm chín ở nhiệt độ cao (hơn 148°C) trên ngọn lửa trực tiếp sẽ tạo ra các hợp chất gọi là amin dị vòng (HCAs) và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs). Hai chất này đã được chứng minh là thúc đẩy sự phát triển khối u trên khắp cơ thể của loài gặm nhấm đã được thí nghiệm.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm mối liên hệ giữa chúng với tế bào ung thư ở người. Trước khi mối nguy hại trên cơ thể người được sáng tỏ. Tốt nhất các bệnh nhân ung thư không nên làm bạn với những món nướng.

Thắc mắc 7: Thế nào là một chế độ ăn uống chống ung thư hoàn hảo?

Liên quan đến điều trị ung thư, mọi thực phẩm chúng ta ăn hoặc uống được phân loại thành các loại như sau:

Thực phẩm nuôi dưỡng và củng cố các tế bào ung thư gồm đường tinh luyện, bột tinh chế, soda và các sản phẩm từ sữa…

Thực phẩm chứa các chất gây ung thư như axit béo trans (có trong bơ thực vật, khoai tây chiên, thực phẩm chế biến sẵn); aspartame (chất thay thế đường ít calo có trong các món tráng miệng, kẹo chewing gum); MSG (có trong snack, khoai tây chiên…).

Thực phẩm tác động trực tiếp tới các phương pháp điều trị ung thư: bia, rượu, cà phê…

Thực phẩm khiến hệ thống miễn dịch mất tập trung vào việc tiêu diệt tế bào ung thư: thịt bò, thịt cừu, thịt dê, gà tây…

Thực phẩm chứa chất dinh dưỡng tiêu diệt tế bào ung thư; Ngăn chặn sự lây lan của bệnh: nho tím, quả mâm xôi đỏ, dâu tây, bông cải xanh. Hoặc súp lơ, một số loại thảo mộc, cà rốt, dứa, hạnh nhân…

Chế độ ăn uống “khắc tinh” của bệnh

Từ các nhóm thực phẩm trên, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên về một chế độ ăn uống chống ung thư được xem là “khắc tinh” của bệnh:

Ăn nhiều trái cây và rau quả:

Rau củ quả chứa đầy vitamin và chất dinh dưỡng nên làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Thay vì lấp đầy dạ dày bằng thực phẩm chế biến hoặc món tráng miệng nhiều đường. Hãy bổ sung thực phẩm từ thực vật vào chế độ ăn uống chống ung thư. Có thể kể đến như các loại rau lá xanh (rau chân vịt, súp lơ, cải xoăn); quả mọng (cherry, việt quất, dâu tây); các loại đậu (đậu nành, đậu đỏ, đậu Hà Lan); và các loại hạt (hạt óc chó, hạt mắc ca, hạt dẻ).

Làm bạn với ngũ cốc nguyên hạt:

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều thành phần giúp giảm nguy cơ ung thư. Nó còn bao gồm cả chất xơ và chất chống oxy hóa. Ngoài ra, bột yến mạch, lúa mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám… Đây sẽ là những thực phẩm xứng đáng có mặt trong chế độ ăn uống chống ung thư.

Nhâm nhi trà xanh suốt cả ngày:

Trà xanh chứa một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và vô cùng hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư. Đặc biệt là ung thư gan, vú, tụy, phổi, thực quản và ung thư da. Các nhà nghiên cứu tìm thấy một hóa chất không độc hại trong trà xanh là epigallocatechin-3 gallate. Nó có tác dụng chống lại urokinase (một loại enzyme quan trọng cho sự phát triển ung thư). Một tách trà xanh thường chứa từ 100 đến 200mg thành phần chống khối u này.

Ăn nhiều cà chua:

Loại quả này giàu lycopene. Nó sẽ bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt và phổi.

Sử dụng dầu ô liu khi chế biến thức ăn:

Ở các nước Địa Trung Hải, chất béo không bão hòa đơn này được sử dụng rộng rãi trong nhà bếp. Vì nó chính là loại thực phẩm chống ung thư hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ ung thư vú ở các nước Địa Trung Hải thấp hơn 50% so với Hoa Kỳ.

Một chùm nho đỏ mỗi ngày:

Nho đỏ có hạt, cùng với rượu vang đỏ và nước ép nho đỏ… Chúng là thực phẩm chứa đầy hoạt chất siêu chống oxy hóa. Do đó, nó có khả năng chống lại một số loại ung thư. Hoặc bệnh tim và các bệnh thoái hóa mãn tính khác.

Thêm tỏi, hành tây và nghệ vào mỗi món ăn:

Nghiên cứu đã phát hiện ra tỏi và hành tây có thể ngăn chặn sự hình thành nitrosamine. Đây là chất gây ung thư mạnh ở đại tràng, gan và vú. Trong khi đó, củ nghệ có chứa một thành phần gọi là curcumin. Và nó cực kỳ hữu ích trong việc giảm nguy cơ ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, curcumin ức chế quá trình phát triển cũng như làm chậm sự lây lan của tế bào ung thư.

Ăn cá nhiều hơn:

Cá hồi, cá ngừ và cá trích rất giàu axit béo omega-3 – một loại axit béo được khuyên dùng trong chế độ ăn uống chống ung thư. Bởi chúng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một nguồn bổ sung omega-3 khác dành cho bạn chính là hạt lanh.

chế độ ăn uống chống ung thư

Ảnh: Shutterstock

Kết luận

Thực phẩm không có tác dụng điều trị ung thư. Nhưng nó góp phần làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư của bạn. Đồng thời, nó còn tác động đến quá trình tiến triển của bệnh. Trên thế giới, có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chiến thắng bệnh tật chỉ nhờ chế độ ăn uống lành mạnh. Họ không cần tới bất kỳ loại thuốc hay hóa chất điều trị nào. Hai trong số đó là giáo sư Jane Plan (ung thư vú) và nữ văn sĩ Kris Carr (ung thư nội mạch máu dạng biểu bì). Họ, cùng với rất nhiều người khác, đã và đang tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền tích cực cho phương pháp ăn uống khoa học để đẩy lùi bệnh ung thư.

Vậy nên, dù bạn có đang phải chống chọi với căn bệnh này hay không. Hãy theo đuổi một chế độ ăn uống chống ung thư hợp lý và được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng uy tín. Cùng với thái độ sống lạc quan và tích cực, bạn sẽ cảm thấy ung thư không còn đáng sợ mà thoải mái sống chung với nó trên mọi hành trình.

Bài: Hạ Vũ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua