Giá vận tải, hàng hóa vẫn đứng yên trong khi giá gas và giá xăng giảm

Trong nhiều ngày qua, giá gas, giá xăng giảm liên tục, song giá vận tải và các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa vẫn đứng yên. Cùng tìm hiểu nguyên nhân do đâu?

Dù giá xăng đã giảm nhưng các mặt hàng tại các chợ vẫn có giá gần như không thay đổi 

Đến nay, giá xăng đã giảm xuống còn 17.330 đồng/lít nhưng tại các chợ, giá các loại hàng hóa gần như không thay đổi. Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q. 8, TP. HCM), giá thịt heo đùi là 60.000 đồng/kg, thịt ba rọi 82.000 đồng/kg. Tại chợ Bàn Cờ (Q. 3), giá thịt heo ba rọi loại ngon vẫn 125.000 – 130.000 đồng/kg.

Hồi tháng 5 – 2015, giá xăng ở mức 19.230 đồng/lít. Khi đó giá sỉ tại chợ đầu mối, thịt đùi là 66.000 đồng/kg, thịt ba rọi là 80.000 đồng/kg. Khi về đến chợ lẻ, tùy từng chợ mà mức giá bán ra tương ứng là thịt đùi 75.000 đồng/kg, thịt ba rọi 115.000 – 125.000 đồng/kg. Điều này cho thấy giá cả của các mặt hàng không thay đổi nhiều.

Còn về giá gas, trong chín tháng đầu năm giá gas liên tục điều chỉnh giảm sáu lần, đến nay giá gas đang ở mức thấp nhất trong khoảng ba năm trở lại đây. Hiện gas có giá 265.000 đồng/bình 12kg, gần bằng 1/2 so với năm 2014. Thế nhưng, tại các tiệm cơm, phở, quán ăn nhậu, giá cả của các món ăn vẫn không giảm. Theo một chủ quán ăn, để tính giá phần cơm, ngoài dựa vào giá thịt cá, rau quả… còn dựa theo các loại giá như thuê mặt bằng, nhân công, điện nước… Vì vậy, giá phần ăn khó giảm.

Một công ty sản xuất thực phẩm chế biến cho biết giá xăng giảm nhưng các nhà cung cấp vận chuyển cho công ty không giảm cước, hàng sản xuất ra vì thế cũng khó giảm theo.

Về phía các công ty vận tải, giám đốc của một doanh nghiệp hoạt động trên nhiều loại hình vận tải khác nhau cho rằng xăng dầu không phải chi phí lớn nhất mà doanh nghiệp phải chịu. Cụ thể với taxi, tiền xăng chiếm 22%, đối với xe buýt và xe khách đường dài là 40 – 42%. Trong các chi phí, lương nhân công ngày càng cao, vật tư phụ tùng cũng tăng nên giá xăng dầu giảm không phải là yếu tố quyết định doanh nghiệp có giảm giá ngay được hay không.

Để tình trạng không giảm giá cước vận tải tiếp diễn, nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ để doanh nghiệp vận tải tự giác giảm giá thì rất khó. Các cơ quan chức năng phải thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với trường hợp phớt lờ quyền lợi người tiêu dùng. Ngày 4 – 9, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay giá xăng có bốn lần tăng và bảy lần giảm. Về nguyên tắc, giá xăng dầu giảm 10%, giá cước vận tải cũng phải giảm. Nếu không giảm, khách hàng, xã hội sẽ không thể chấp nhận. Hiệp hội đã gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp thuộc hiệp hội tính toán lại chi phí để giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm của giá nhiên liệu.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cũng đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố giám sát kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính trước ngày 30 – 9.

Trước đây chỉ cần giá xăng dầu tăng, ngay lập tức hàng hóa tăng theo với lý do chi phí hàng vận chuyển về chợ tăng, nhà sản xuất cũng dựa vào đó tăng giá. Thế nhưng, khi giá xăng giảm liên tục thì tất cả đều im lặng, đây là sự thiếu chia sẻ với người tiêu dùng. Giá xăng giảm nền kinh tế sẽ được hưởng lợi, vậy mà trong chuỗi này người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua