Đây là nội dung của Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do liên Bộ Y tế − Tài chính ban hành.
Theo đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lần này được tính các chi phí: trực tiếp (thuốc, dịch truyền, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ…); chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ ngày 1−3, sẽ có khoảng 1.887 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá áp dụng chung cho các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc; điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường theo các hạng bệnh viện.
Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh từ 7.000 − 200.000 đồng (chưa bao gồm tiền lương) được tính từ 1−3. Còn từ ngày 1−7−2016, giá dịch vụ khám bệnh từ 29.000 − 200.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương).
Giá dịch vụ ngày giường bệnh áp dụng từ 1−3−2016 tại các bệnh viện từ 31.000 − 354.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp thường trực); từ ngày 1−7−2016, giá dịch vụ từ 108.000 − 677.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp thường trực và tiền lương).
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lần này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế. Việc tăng giá là nhằm điều chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp cho các bệnh viện, được tính vào giá. Còn nay, nguồn ngân sách này sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Vì thế việc điều chỉnh giá này cơ bản không tác động đến các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế. Cụ thể hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng…. được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100%.
Tiếp Thị Gia Đình