Giá dầu giảm mặc dù sản lượng vẫn tăng đều
Chiến lược gia thị trường Citigroup, ông Seth Kleinman, đưa ra nhận định giá dầu có nhiều khả năng tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới và những nước xuất khẩu dầu thuộc khối OPEC đang trong một trận chiến sản lượng. Những nước trên bất chấp việc giá dầu giảm mạnh vẫn tiếp tục duy trì sản lượng nhằm giữ vững chỗ đứng trên thị trường. Tình trạng dư cung mà thiếu cầu dẫn đến giảm giá dầu này vẫn sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới.
Những hệ lụy rõ ràng nhất của việc giá dầu giảm mạnh là nguồn thu ngân sách của các nước phụ thuộc hoàn toàn vào việc xuất khẩu dầu và khí đốt đang bị thất thoát nặng nề. Đơn cử như Saudi Arabia với sản lượng dầu 10.564 thùng/ngày, ngân sách của nước này đang lỗ gần 140 tỷ USD, khoảng 20% GDP. Ở Nga, giá dầu giảm cộng thêm những trừng phạt từ phía Mỹ và các nước phương Tây cũng khiến kinh tế gặp khó khăn và GDP nước này giảm 4.6% trong quý II năm nay, thâm hụt nặng nhất kể từ đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009.
Những bất ổn trong giá dầu thế giới cũng sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường Việt Nam. Theo dự đoán từ các chuyên gia, giá cơ sở và giá dầu hiện tại chênh lệch khoảng 300 đồng/lít. Nhiều công ty dịch vụ dầu khí trong nước phải xoay sở tìm cách đứng vững giữa cơn bão giá. Do giá dầu giảm mạnh, các nhà thầu liên tiếp cắt giảm nguồn đầu tư và gây sức ép buộc những công ty này phải giảm giá gia công, dẫn đến cả sản lượng lẫn giá thành sản phẩm đều đi xuống. Nếu đến phiên điều chỉnh sắp tới vào 20–8 của Bộ Công Thương, giá dầu vẫn không tăng lên thì khả năng việc giá xăng cũng bị kéo giảm theo là rất lớn.
Tiếp Thị Gia Đình