Sau cuộc họp báo chiều qua (30−6), dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc công bố kết quả điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4 vừa qua. Đồng thời, việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cam kết bồi thường do xả thải độc hại với con số lên đến hàng trăm triệu USD khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao lại mất nhiều thời gian đến như vậy mới công bố thông tin này? Formosa bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) dựa trên cơ sở nào? Liệu con số đó có thể khắc phục được những tổn thất đã gây ra cho môi trường biển, đời sống người dân Việt Nam…
Chia sẻ về những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đây là một sự cố xảy ra trên diện rộng, phức tạp nên cần phải tiến hành thật cẩn trọng. Việc xác định nguyên nhân cần phải có chứng cứ khoa học. Vì thế, có khoảng 30 cơ quan chia thành 3 nhóm thực hiện lấy mẫu trầm tích đáy, phù du, tiến hành xác định từ vệ tinh, hồi tố lại sự việc… Các mẫu vật này được phân tích thí nghiệm và kiểm chứng tại nhiều phòng thí nghiệm quốc tế, lấy ý kiến của hàng trăm nhà khoa học trên thế giới và phải mất khoảng 3 tháng mới đưa ra được kết quả cuối cùng.
Về lý do Formosa bồi thường 500 triệu USD, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đây là con số tính trên những thiệt hại trực tiếp của người dân, mức độ tồn lưu. Còn với những thiệt hại lớn hơn như tổn thương tâm lý và những hệ lụy khác vẫn chưa tính được và sự thật cũng không thể tính hết. Vì lẽ đó, số tiền đã công bố vẫn còn là quá ít, so với những thiệt hại mà nước ta phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc khởi án vụ án, xử lý hình sự đối với Công ty Formosa còn phải được cân nhắc, vì công ty này đã nhận lỗi và cam kết thực hiện 5 nội dung để khắc phục hậu quả do mình gây ra.
5 cam kết của Formosa như sau:
♦ Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng
♦ Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD)
♦ Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra
♦ Phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế
♦ Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về cách xử lý số tiền bồi thường của Công ty Formosa, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ ưu tiên cho người dân, đặc biệt là ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại. Tiếp theo, Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại bằng cách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững… Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ rà soát, xem xét lại thủ tục cấp phép, quy chuẩn về môi trường.. đối với các dự án đầu tư.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rà soát tiêu chuẩn bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp và xem xét trách nhiệm cán bộ công chức trực tiếp liên quan đến vụ việc để xử lý theo quy định.
Hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6−4−2016 ở khu vực gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đã có 70 tấn cá tự nhiên ở tầng đáy của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chết dạt vào bờ. Riêng Thừa Thiên Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Dù nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn lao đao trong mấy tháng nay vì không thể ra khơi.
Sau 3 tháng làm việc, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua 30−6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã công bố thông tin Formosa bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam để khắc phục những hậu quả cho việc xả thải của mình gây ra.
Bài: Hân Thái
Ảnh: Tuổi Trẻ
Tiếp Thị Gia Đình