Elizabeth Holmes, người sáng tạo công nghệ chẩn bệnh bằng một giọt máu

31 tuổi, Elizabeth Holmes là người sáng lập kiêm CEO của doanh nghiệp trị giá 9 tỷ đô-la Mỹ Theranos với sứ mệnh chẩn đoán kịp thời để có thể cứu người bằng một giọt máu

Holmes Và mẫu xét nghiệm ở Theranos

Elizabeth Holmes, người sở hữu một nửa giá trị công ty Theranos (4,5 tỷ đô-la Mỹ) luôn xuất hiện với vest đen khoác ngoài, áo cổ lọ kín đáo. Cô tối giản mọi thứ để tập trung cho công việc. Thành đạt, tài năng và giàu có, nhưng Holmes lại chọn lối sống khiêm tốn. Cô ở trong căn hộ hai phòng ngủ, không có ti-vi và không màng hàng hiệu.

TẤT CẢ CHO MỤC TIÊU

Holmes làm việc bảy ngày trong tuần, không có thời gian đọc tiểu thuyết hay tán gẫu với bè bạn, không hò hẹn, cũng chẳng có kỳ nghỉ nào suốt mười năm nay. Holmes ăn chay và tủ lạnh nhà cô thường xuyên trống trơn.

Tuy nhiên, nữ tỷ phú vẫn hạnh phúc với cuộc sống ấy. Holmes tâm niệm thà dành cả đời tập trung đeo đuổi mục tiêu, bỏ qua những điều không cần thiết, còn hơn có mọi thứ mà không có mục tiêu.

Làm gì Holmes cũng quyết tâm đến cùng, vì: “Giây phút nghĩ đến kế hoạch B cũng là lúc bạn thừa nhận mình thất bại”. Ý chí ấy đã hình thành khi Holmes còn là nữ sinh trung học. Cô tự học tiếng Hoa và dự định tham gia các lớp học hè tiếng Hoa tại Đại học Stanford. Holmes gọi điện đến văn phòng khoa để hỏi và họ từ chối nhận học sinh trung học.

Cô gái nhỏ vẫn không ngừng gọi điện, cho tới khi người phụ trách chương trình khó chịu quá, giật điện thoại từ tay nhân viên đang tiếp chuyện Holmes, gằn giọng: “Sao em gọi liên tục vậy, tôi chịu hết nổi rồi. Tôi sẽ kiểm tra năng lực em ngay bây giờ đây”. Ông tuôn ra một tràng tiếng Hoa, Holmes đối đáp trôi chảy. Kết quả là Stanford phá lệ nhận Elizabeth Holmes vào học tiếng Hoa và cô hoàn thành chương trình đại học ba năm khi còn là nữ sinh trung học.

Honorees  Elizabeth Holmes , Managing Editor, Time Magazine; Nancy Gibbs and Diane von Furstenberg attend the Time 100 Gala celebrating the Time 100 issue of the Most Influential People at  The World at Jazz at Lincoln Center on April 21, 2015 in New York.  AFP PHOTO /  TIMOTHY  A. CLARY

ĐỘT PHÁ CỨU NGƯỜI

Tên công ty Theranos là sự kết hợp của Therapy (liệu pháp) và Diagnosis (chẩn đoán). Định nghĩa của “chẩn đoán” đơn thuần là “chẩn bệnh bằng cách kiểm tra triệu chứng”. Vấn đề ở chỗ khi có triệu chứng rõ ràng thì thường đã quá muộn để can thiệp.

Holmes và cộng sự định nghĩa Theranos là phát hiện bệnh từ tín hiệu đầu tiên để việc trị liệu phát huy hiệu quả tối ưu nhất. Holmes từng mất một người chú vì bệnh ung thư, vì thế cô gầy dựng Theranos với sứ mệnh chẩn đoán bệnh kịp thời, để không ai phải giã biệt cõi đời vì phát hiện quá muộn. Theranos giúp xét nghiệm y khoa trở nên thân thiện, dễ dàng, không đau đớn và ít tốn kém hơn phương pháp truyền thống.

Người muốn xét nghiệm được chích lấy vài giọt máu đựng trong một ống nghiệm nhỏ xíu và hoàn toàn không đau. Sau đó, họ sẽ chọn làm xét nghiệm nào trong danh sách dài của Theranos. Tất cả đều được niêm yết giá và rẻ hơn xét nghiệm tương ứng ở các bệnh viện. Quy trình lấy máu chỉ mất 19 phút và sau vài giờ bạn đã có kết quả qua e-mail hoặc qua ứng dụng trên điện thoại.

Phát triển công nghệ chẩn bệnh chỉ từ một giọt máu, Elizabeth Holmes mong muốn sự tiện lợi, tiết kiệm này sẽ giúp xét nghiệm máu trở thành thói quen chăm sóc sức khỏe của mọi người, đơn giản và tự nhiên như ăn uống hay tập thể thao. Theranos mang sứ mệnh chẩn đoán kịp thời để cứu người bằng một giọt máu.

Theo Holmes, có khoảng 40–60% bệnh nhân khi được bác sỹ yêu cầu xét nghiệm máu thường lờ đi. Chính cô cũng rất sợ kim tiêm. Holmes thấy việc kim đâm vào người, rồi rút ra cả ống máu chẳng khác gì tra tấn. Với phương pháp của Theranos, bệnh nhân không còn nỗi ám ảnh xét nghiệm đó.

TRÁI TIM LỚN

Honorees  Elizabeth Holmes , Managing Editor, Time Magazine; Nancy Gibbs and Diane von Furstenberg attend the Time 100 Gala celebrating the Time 100 issue of the Most Influential People at  The World at Jazz at Lincoln Center on April 21, 2015 in New York.  AFP PHOTO /  TIMOTHY  A. CLARY

Theranos có một ban quản trị lẫy lừng nhất trong lịch sử các công ty tại Mỹ với hai cựu ngoại trưởng (Henry Kissinger, George Shultz), một cựu bộ trưởng quốc phòng (William Perry), hai cựu thượng nghị sỹ và nhiều nhân vật cộm cán khác. Chỉ danh sách vô tiền khoáng hậu ấy thôi cũng đủ nói lên khả năng thuyết phục hiếm có của Elizabeth Holmes.

Tháng 7–2011, Elizabeth Holmes được giới thiệu với George Shultz. Cuộc gặp dự kiến 10 phút đã kéo dài thành 2,5 giờ. Shultz đã bị công nghệ phục vụ sức khỏe của Theranos và “động lực thuần khiết” của cô gái trẻ Elizabeth Holmes mê hoặc. Từ đó họ gặp nhau mỗi tuần, Shultz tham gia ban quản trị Theranos và giới thiệu nhiều cựu chính khách khác cộng tác với Holmes. Đó không phải là lần đầu tiên niềm đam mê, quyết tâm và mục tiêu cao cả của Holmes chinh phục các bậc tiền bối, khiến họ lập tức muốn góp sức vào Theranos, góp sức vào công cuộc cứu người bằng một giọt máu.

Năm 2003, khi đang là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Stanford, Elizabeth Holmes quyết định bỏ học và dùng toàn bộ số tiền mà ba mẹ dành dụm để đóng học phí cho cô để đầu tư kinh doanh. Giáo sư Channing Robertson khuyên cô nên tốt nghiệp trước đã, nhưng cuối cùng ông cũng tin Holmes quyết định đúng. Chính Robertson là thành viên đầu tiên của ban quản trị Theranos và ông giới thiệu cho Holmes nhiều nhân vật khác làm cộng sự.

Lãnh đạo Theranos nổi tiếng là người luôn lắng nghe, bình thản đáng nể và chẳng bao giờ nổi nóng. Nhiều người hay so sánh Elizabeth Holmes với Steve Jobs vì cô luôn mặc áo cổ lọ. Tuy nhiên, William Perry, thành viên Ban quản trị Theranos, khẳng định: “Holmes sở hữu ý thức xã hội mà Jobs chưa bao giờ có. Steve Jobs là thiên tài, còn Elizabeth Holmes là người có trái tim lớn”.

Với hơn 700 nhân viên dưới quyền, Holmes thấy điều khó nhất khi làm lãnh đạo là phải tuyển dụng đúng người. Nữ CEO luôn tìm kiếm những ai xem công việc ở Theranos là điều họ muốn làm cả đời.

Khi được hỏi bí quyết thành công, Holmes chia sẻ: “Phải tìm ra điều mình yêu thích, và đeo đuổi nó trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Tôi là một dẫn chứng sống khẳng định rằng nếu bạn tưởng tượng được mục tiêu thì bạn cũng có thể đạt được nó trong thực tế”.

Thông tin thêm

1. Elizabeth Holmes sinh ngày 3–2–1984 tại Washington DC. Khi 9 tuổi, Holmes viết cho cha: “Con muốn khám phá ra điều gì đó mới lạ, điều mà con người không biết là có thể thực hiện được”.

2. Holmes nhập học Đại học Stanford với chuyên ngành kỹ sư hóa. Sau năm đầu tiên, cô được dịp nghiên cứu về bệnh SARS ở phòng thí nghiệm Học viện Genome, Singapore. Thời gian tại đây, Holmes thấy cần cải tiến hệ thống xét nghiệm máu hiện hành tiện lợi hơn. Holmes hiện sở hữu 84 bằng sáng chế.

3. Holmes ăn chay, kiêng cà-phê. Cô thường uống hỗn hợp gồm dưa chuột, rau mùi tây, cải xoăn, rau bó xôi, rau diếp và cần tây.

THỦY NGUYỆT

Mục Câu chuyện và Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua