Hiện trung tâm điều hành mạng đang phối hợp với các đài trạm xác định vị trí đứt cáp
Việc đứt cáp quang biển AAG đã làm suy giảm băng thông internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của các nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này. Sự cố sau đó được xác định nằm ngoài khơi Vũng Tàu và đòi hỏi phải sử dụng tàu cáp chuyên dùng của quốc tế để khắc phục. Do đặc thù công việc diễn ra trên biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên dự tính thời gian sửa chữa đường cáp biển có thể kéo dài từ 3 tuần đến một tháng.
Được biết, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc liên lạc, trao đổi thông tin của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, email, điện thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng, do lưu lượng phải chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn.
Trong khi chờ đợi khắc phục sự cố, FPT Telecom khuyến cáo, người dùng chỉ nên sử dụng Internet kết nối đi quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, các dịch vụ khác nên chuyển sang các trang trong nước để tối ưu hóa dung lượng truyền tải.
Trong số các nhà cung cấp, chỉ có Viettel khẳng định sự cố này không ảnh hưởng đến mình. Viettel cho biết ngay khi xảy ra sự cố đã bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và hai hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom để đảm bảo khách hàng không bị ảnh hưởng, kể cả vào giờ cao điểm.
Vào đầu năm 2015, tuyến cáp quang biển AAG cũng bị đứt, khiến cho lưu lượng truyền Internet đi quốc tế bị chậm trong vòng gần 2 tuần.
Hiện Việt Nam có tất cả bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11−2009 với chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, có dung lượng truyền tải lớn nhất, hơn cả tuyến cáp IA mới được xây dựng. Còn các tuyến SE−ME−WE−3, TVH được sử dụng 10 − 15 năm nay đều có dung lượng thấp.
Tổng hợp