Sẽ được bồi thường nếu tai biến do tiêm chủng

Dự thảo nghị định mới về hoạt động tiêm chủng đã đề cập đến vấn đề bồi thường nếu xảy ra tai biến do tiêm chủng

Mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu cho biết dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng sẽ hoàn thành trong năm nay. Ngoài những quy định chung về quản lý hoạt động tiêm chủng, điểm đặc biệt của nghị định này là dành hẳn một chương cho việc bồi thường cho những tai biến do tiêm chủng.

Đây là lần đầu tiên việc bồi thường khi có tai biến do tiêm chủng được quy định cụ thể nên gây được sự chú ý của công chúng. Các trường hợp được bồi thường cho chính người được tiêm chủng và thân nhân gồm có: người được tiêm chủng bị tai biến nặng phải đi cấp cứu, điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tai biến nặng dẫn đến khuyết tật, tử vong… Việc bồi thường này sẽ do một hội đồng chuyên môn thực hiện trên cơ sở công tâm, rõ ràng và trách nhiệm.

tai bien do tiem chung hinh anh 2

Bố mẹ nên cho trẻ đi tiêm chủng định kỳ – Ảnh chỉ nhằm mục đích minh họa

Dù chỉ đang trong giai đoạn lấy ý kiến của giới chuyên môn và người dân, nhưng những quy định về việc bồi thường do tai biến do tiêm chủng cũng được đánh giá cao vì tính nhân văn và vai trò tác động tích cực đến việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ làm công tác tiêm chủng.

Bắt đầu từ những năm 1980, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cung cấp miễn phí 12 loại vắc-xin cho trẻ em Việt Nam, bảo vệ 6,7 triệu trẻ và ngăn chặn 42.000 ca tử vong khỏi các bệnh nguy hiểm như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt. Vào năm 2015, Hội đồng Đánh giá tai biến vắc-xin của Bộ Y tế đã thống kê được 3.000 trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm chủng, 32 trường hợp phản ứng nặng và 16 ca tử vong.

Với nghị định mới này, người dân hy vọng rằng các trường hợp tai biến liên quan có đến tiêm chủng sẽ được hạn chế tối đa. Và trong trường hợp có xảy ra tai biến thì cũng đã có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi của người dân.

Bài: Hân Thái

Tiếp Thị Gia Đình

Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây

Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.

Đừng bỏ qua