“Nếu ghép chung chữ Hoan và Khuê của vợ chồng lại, gia đình chúng tôi sẽ có tên là HK. Dịch ra ngôn ngữ riêng của gia đình tôi sẽ là Hát Ca, Hơi Khùng hoặc Hết Khổ. Tôi thích gọi như vậy vì nghe là đã thấy vui và hạnh phúc rồi”, chị Nguyễn Nữ Như Khuê, bà xã của nhà quay phim Trinh Hoan, một nhà quản lý trong lĩnh vực truyền thông tại TP. HCM, mở đầu cuộc trò chuyện với Tiếp Thị Gia Đình như vậy.
TTGĐ: Nhiều người làm quản lý ở công ty khi về nhà cũng thích làm sếp, quản lý luôn cả chồng. Điều này có vẻ không giống với gia đình HK của chị?
CHỊ NHƯ KHUÊ: Chúng tôi đã có hơn 22 năm chung sống. Nhiều lúc giận hờn, bất đồng về việc nuôi dạy bốn đứa con, nhưng điều quan trọng là gia đình HK đến giờ vẫn luôn thấy cần nhau. Có lẽ vì tôi… không là sếp khi về nhà. Tôi có thể rất cứng rắn ở nơi làm việc, nhưng khi về nhà, trước chồng, tôi luôn là người lùi một bước, luôn thích được nép bóng tùng quân.
TTGĐ: Khi xảy ra những bất đồng, chị xử lý như thế nào?
CHỊ NHƯ KHUÊ: Vợ chồng tôi thường bất đồng trong việc dạy con. Anh Hoan rất cưng chiều con, còn tôi lại nghiêm khắc hơn, thế nên… bất đồng. Những lúc đó, tôi thường đặt ra các câu hỏi: Chắc là hôm nay bị căng thẳng công việc? Có thể anh không khỏe chăng? Giải quyết theo cách của anh sẽ tốt hơn ở những điểm nào? Cứ như vậy, tôi cảm thấy đồng cảm và cũng dễ bỏ qua những bất đồng.
TTGĐ: Bận rộn với công việc, về nhà lại tíu tít với bốn con, vợ chồng chị còn thời gian dành cho nhau không?
CHỊ NHƯ KHUÊ: Nhiều chứ (cười). Từ rất lâu rồi, tôi không tự chạy xe. Bằng lái gia hạn hai lần rồi bỏ luôn. Tôi cũng không thuê tài xế trả lương hàng tháng vì tôi đã có tài xế “xe ôm” riêng mà tôi trả lương bằng cả cuộc đời.
Dù không làm cùng công ty nhưng anh luôn lái xe chở tôi đi làm mỗi ngày. Chẳng phải tôi không biết chạy xe, chẳng phải vì chúng tôi không tìm được tài xế riêng, chỉ là tôi muốn hai vợ chồng có thêm thời gian trò chuyện cùng nhau. Toàn bộ thời gian trên xe, từ nhà đến chỗ làm, vợ chồng Hát Ca bàn về đủ việc, từ con cái, công việc đến cả những tin tức hàng ngày trên báo chí. Những ngày anh đi công tác hay bận quay phim, tôi sẽ đi taxi hoặc xe buýt. Bởi lẽ, trong thời gian ngồi trên xe, tôi có thể gửi e-mail hoặc gọi điện trò chuyện với anh. Khoảng cách xa nhờ thế như được xích lại gần hơn.
TTGĐ: Đó chỉ là thời gian dành riêng cho ông xã. Vậy chị sẽ sắp xếp ra sao để cả nhà có những giờ phút quây quần bên nhau?
CHỊ NHƯ KHUÊ: Nếu chứng kiến bữa ăn tối của nhà tôi, hẳn bạn sẽ sốt ruột lắm. Bữa ăn tối của gia đình Hát Ca thường kéo dài hơn 1 giờ. Quây quần bên bàn ăn, chúng tôi nhắc nhớ con gái đầu đang xa nhà du học ở Canada, khen một món ăn con gái thứ hai đã nấu ngon hơn, nghe chuyện ở lớp của con gái thứ ba và hào hứng nghe con trai út kể về việc đã tự chiên trứng ăn khi không có cha mẹ và các chị ở nhà… Nhiều khi, con cái đứng dậy rồi nhưng hai vợ chồng vẫn chưa hết chuyện. Chúng tôi luôn chia sẻ với nhau mọi chuyện. Điều đó không chỉ giúp HK có niềm tin nơi nhau mà còn là hàng rào để đến giờ cả anh và tôi đều chưa từng “bị cảm” trước những cám dỗ.
Sau khi ăn tối, trước lúc đi ngủ, gia đình HK có một truyền thống là cùng cầu nguyện chung.5 phút mỗi ngày, cả nhà cùng ngồi bên cạnh nhau để tạ ơn Chúa vì một ngày tốt đẹp đã qua, chúc nhau một đêm ngủ ngon và cầu mong một ngày mới tốt lành sắp đến. Những lúc như vậy, vợ chồng HK có giận gì nhau cũng cố gắng kìm xuống và khi cầu nguyện xong thì cơn giận cũng không cánh mà bay. Có lẽ vì sắp xếp được thời gian dành cho nhau, có nhiều cơ hội chia sẻ nên “chiến tranh lạnh” hầu như không có cơ hội xảy đến ở gia đình HK.
TTGĐ: Thỉnh thoảng, chị vẫn tự nấu cơm tối sau khi về nhà. Cuối tuần chị không dành thời gian nghỉ ngơi mà lo đi mua thực phẩm chuẩn bị cho tuần sau. Sao chị không thuê người giúp việc để chia sẻ bớt gánh nặng cho mình?
CHỊ NHƯ KHUÊ: Trước đây, khi các con còn nhỏ, tôi có nhờ đến người giúp việc. Tuy nhiên, khi các con đã hơi lớn, tôi không thích thuê người giúp việc nữa. Vợ chồng tôi muốn được tự mình dạy các con nấu ăn, chăm sóc nhà cửa để trở nên tự lập, biết yêu thương, phục vụ lẫn nhau, như trong một bài hát mà cả hai chúng tôi rất thích: “Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp…”. Sau khi ăn xong, cả nhà sẽ mỗi người một việc, người dọn dẹp, người rửa bát, người lau bàn… cho đến khi hoàn tất. Tôi nghĩ, đây là cách đơn giản để các thành viên trong nhà có dịp thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và hiểu nhau hơn.
TTGĐ: Cảm ơn chị. Chúc gia đình HK luôn ngập tràn tiếng hát ca.
BÍ QUYẾT GIỮ LỬA GIA ĐÌNH
− Cuối tuần, ngoài những lúc vui chơi cùng nhau, chị Như Khuê luôn dành thời gian để mua thực phẩm cho cả tuần. Tất cả sẽ được sơ chế, tẩm ướp, bảo quản trong tủ lạnh để các con của chị có thể tự vào bếp một cách dễ dàng.
− Để khuyến khích con nấu ăn, tự lập, chị Khuê, anh Hoan luôn áp dụng chính sách “khen nồng nhiệt, chê nhẹ nhàng”. Nếu con nấu món ăn quá mặn hay quá chín, gia đình HK sẽ đều tỏ ra ăn ngon miệng, sau đó có những góp ý nhỏ nhẹ, chẳng hạn: “Con cho bớt muối một chút sẽ ngon hơn”, “Món này nếu bớt lửa một chút là tuyệt vời”…
− Trước đám đông, anh Hoan, chị Khuê luôn có thói quen nắm tay nhau. Những cử chỉ nho nhỏ ấy đã tạo ra niềm hạnh phúc trọn vẹn, bình yên cho gia đình Hát Ca.
− Dù ai cũng có thu nhập tốt nhưng vợ chồng anh Hoan, chị Khuê không bao giờ phân biệt tiền anh, tiền em mà tất cả đều là tiền chung, quỹ chung. Do anh thường ngẫu hứng, đôi khi chi tiêu quá tay nên chị là người quản lý chi tiêu cho gia đình.
Theo Tiếp Thị Gia Đình