Đừng lạnh lùng với nhau sau khi cãi vã

Chén trong chạn còn khua huống chi là đời sống vợ chồng sao tránh khỏi cảnh hục hặc. Song, sau khi cãi vã, bạn đã ứng xử với anh ấy như thế nào?

Nói về những hục hặc trong đời sống vợ chồng và những hành xử sau khi cãi vã, chị Ngọc Hải (Q. 1, TP. HCM) tâm sự: “Tôi lớn lên ở miền Nam, anh ấy lớn lên ở miền Bắc, tập quán, gia đình cũng khác nhau nên khi sống chung, vợ chồng cứ lục đục hoài. Đặc biệt, trong và thậm chí là sau những lúc nóng giận, chúng tôi dễ nói lời tổn thương nhau”. Để hạn chế những phản ứng tiêu cực tương tự trong đời sống hôn nhân, Tiếp Thị Gia Đình mách bạn 7 điều nên tránh sau “hậu chiến” nhé!

1. ĐỪNG LẠNH LÙNG

Phụ nữ thường lạnh lùng sau khi tranh cãi. Theo các nhà tâm lý, nếu bạn lờ chồng mình, anh ấy sẽ nghĩ bạn đang trừng phạt anh ấy hoặc nghĩ bạn là người có cái tôi lớn. Từ đó, trong những lần mâu thuẫn sau, anh ấy không nói thật hết suy nghĩ vì sợ “bổn cũ soạn lại”. Vì vậy, sau trận cãi nhau, nếu cần không gian riêng tư, bạn chỉ cần nói thẳng với anh ấy mong muốn đó. Hoặc bạn có thể bảo: “Em không thể quên nhanh mọi chuyện nhưng hãy cho em thời gian (cụ thể như 1–2 ngày) để cân bằng. Nếu lúc đó em vẫn không ổn, chúng ta sẽ nói chuyện kỹ hơn”.

2. KHÔNG ĐỂ BỤNG

Người Mỹ có câu: “Chuyện gì xảy ra ở Vegas, hãy để lại Vegas” với hàm ý chuyện gì xảy ra ở đâu thì hãy để lại nơi đó. Phương châm này đúng cho mọi cuộc tranh cãi. Nếu anh ấy có lời nói gây bực dọc, bạn hãy cho biết là bạn khó chịu với lời nói ấy. Hoặc anh ấy có lời nói làm bạn tổn thương, bạn hãy để chúng trong cuộc tranh cãi ấy và quên ngay sau đó. Nếu sau vài ngày mà vẫn cảm thấy khó chịu, bạn hãy tìm đến một nơi nào đó hoặc làm việc gì đó để khuây khỏa. Bạn đừng hỏi phải trái với chồng, điều đó chỉ đẩy hai vợ chồng vào cuộc tranh cãi khác.

dung lanh lung sau khi cai va hinh anh 2

3. CHE GIẤU CẢM XÚC

Có nhiều lý do dẫn đến tranh cãi như bạn có một ngày tồi tệ, mệt mỏi hoặc mất ngủ. Nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, Mỹ, cho thấy người thiếu ngủ có khuynh hướng dễ cãi nhau. Theo các nhà tâm lý, tranh cãi là vấn đề thuộc về thông tin và giao tiếp. Nếu bực dọc, buồn bã hay tổn thương, bạn rất dễ cáu bẳn và vô tình có những hành động, lời nói làm người khác khó chịu. Nếu trong trường hợp như thế, bạn hãy thông tin cho chồng biết để anh ấy hiểu và cân nhắc lời nói, hành động của mình.

4. ĐỪNG QUAY LƯNG VỚI ANH ẤY

Sau tranh cãi, bạn giành vài phút để trả lời thắc mắc của chồng, giúp anh giải tỏa nỗi lòng, cả hai sẽ hiểu nhau và tránh lặp lại mâu thuẫn tương tự. Nếu khi anh ấy khơi lại vấn đề, bạn đừng quay lưng, không nói gì. Theo các nhà tâm lý: “Sự im lặng cũng tạo hậu quả như khi hét lớn vào mặt nhau”, chẳng khác nào bạn châm ngòi cho cuộc chiến và mâu thuẫn cứ dai dẳng.

5. KHÔNG ĐỒNG Ý NẾU BẠN KHÔNG SẴN SÀNG

Rất nhiều đàn ông muốn “chuyện ấy” sau khi cãi nhau. Theo các nghiên cứu, đó là cách để họ cảm thấy muốn gần gũi và giảng hòa với bạn đời. Bạn không nhất thiết phải đồng ý chỉ để chiều theo cảm xúc của chồng nếu bạn không sẵn sàng. Bạn chỉ cần ôm chặt anh ấy và nói em không có tâm trạng, ngày mai nhé. Đừng quay lưng và không một lời giải thích, anh ấy sẽ bị tổn thương và nghĩ bạn vẫn còn đang giận.

6. KHÔNG TẬP TRUNG VÀO NGUYÊN NHÂN

Bạn hãy nhìn vào ví dụ dưới đây: Vợ chồng bạn đi chơi mà không mang nhiều tiền. Thay vì cằn nhằn, một trong hai người không chu đáo, cả hai chỉ cần đến chỗ rút tiền. Tương tự, trong bất cứ trận cãi vã nào, bạn đừng chú tâm tìm hiểu nguyên nhân mà hãy tập trung tìm cách giải quyết.

7. ĐỪNG NÓI: “EM KHÔNG CÓ Ý NHƯ THẾ!”

Đôi lúc đó là cách để bạn xóa bỏ câu nói lỡ lời. Song điều này lại dễ dẫn đến tranh cãi khác nếu chồng bạn phản ứng: “Đúng, em đã nói thế”. Vợ chồng lại tranh luận xem bạn đã nói gì. Ngược lại, nếu chồng bạn là người nói: “Anh không có ý như thế”, bạn hãy nói: “Anh không có ý nhưng điều đó lại khiến em nghĩ như vậy. Lần sau anh đừng nói thế nữa!”.

UYÊN HỒ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua