Theo tờ Independent, mới đây, các bác sĩ tại bệnh viện Moorfield ở London (Anh) đã chuẩn đoán trường hợp bị mù tạm thời do dùng điện thoại trong bóng tối của hai người phụ nữ.
Một người 22 tuổi, một người 40 tuổi, cả hai đều có dấu hiệu thị lực bị suy giảm trong khoảng 15 phút và xuất hiện từng đợt trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, khi kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ không thấy có dấu hiệu bất thường chứng tỏ họ đang mắc bệnh ở mắt. Vậy nguyên nhân do đâu?
Khi được hỏi khi nào xảy ra tình trạng trên, cả hai người đều cho biết họ thường bị “mù tức thời” sau khi nằm nghiêng và dùng điện thoại trong bóng tối. Vì màn hình quá chói nên họ chỉ dùng một mắt để nhìn và mắt kia nheo lại hoặc lấy gối che lại.
Các bác sĩ phân tích, trong điều kiện một mắt tiếp xúc với ánh sáng điện thoại, một mắt tiếp xúc với bóng tối do bị che lại sẽ khiến cho hai bên mắt thích nghi với điều kiện ánh sáng khác nhau. Vì thế khi không sử dụng nữa, mắt vừa mới tiếp xúc với điện thoại sẽ cần nhiều thời gian để thích nghi với bóng tối, gây ra cảm giác mù lòa tức thời.
Thông tin trên khiến khá nhiều người hoang mang, đặc biệt là những ai có thói quen sử dụng điện thoại trong bóng tối trước khi đi ngủ. Giải đáp thắc mắc trên, bác sĩ Rahul Khurana − đại diện Viện Nhãn khoa Mỹ (American Academy of Ophthalmology) cho rằng trường hợp của hai phụ nữ trên không đủ để kết luận dùng điện thoại trong bóng tối có thể gây mù tức thời khi chỉ một bên mắt nhìn vào điện thoại.
Mặc dù triệu chứng mù lòa tức thời do sử dụng điện thoại trong bóng tối không gây nguy hại nhưng các bác sĩ cũng khuyến cáo nên dùng cả hai mắt khi sử dụng điện thoại, hoặc chỉnh ánh sáng màn hình điện thoại xuống mức thấp nhất khi dùng trong bóng tối. Nhưng tốt nhất, hãy dùng điện thoại trong điều kiện ánh sáng đầy đủ và hạn chế sử dụng điện thoại quá nhiều để tránh tình trạng khô mắt, mỏi mắt, suy giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình