Giác mạc là lớp trong suốt phía trước của con mắt, là cửa sổ của con mắt. Bất cứ tổn thương nào ở giác mạc đều có thể dẫn đến mù mắt. Tuy nhiên, tin tốt là mù mắt do hỏng giác mạc có thể chữa trị được bằng các phương pháp cấy ghép giác mạc tiên tiến hiện nay.
Phương pháp đó là gì? Bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ mù mắt do hỏng giác mạc hay không? Giáo sư – Bác sĩ Donald Tan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội giác mạc thế giới, một trong những bác sĩ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật ghép giác mạc sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn.
Ai cần phải ghép giác mạc?
Người bệnh được chỉ định ghép giác mạc khi giác mạc không còn tính trong suốt, bị mờ đi như gặp chấn thương ở mắt, bỏng mắt, biến chứng sau phẫu thuật, viêm loét giác mạc, viêm giác mạc cấp tính nặng, giác mạc mờ đục bẩm sinh, mờ đục do lão hóa… Khi đó, các tia sáng không thể đi qua để tiến đến phần nhạy ánh sáng của mắt gọi là võng mạc, dẫn đến thị lực kém và có thể chuyển sang mù.
Ghép giác mạc là một phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ lớp giác mạc hư hỏng, thay thế bằng giác mạc hiến tặng còn tốt, nhờ đó bệnh nhân có thể phục hồi thị lực như bình thường.
Người cần ghép giác mạc nên chọn phương pháp nào để đảm bảo hiệu quả phục hồi thị lực tốt nhất?
Các phương pháp ghép truyền thống trước đây là ghép xuyên thấu hay còn gọi là ghép toàn bộ giác mạc. Với phương pháp này, nguy cơ tự đào thải sau ghép rất cao, là nguyên nhân chính dẫn đến 15% trường hợp ghép thất bại. Trong trường hợp hỏng giác mạc hư hỏng nặng, đã để quá lâu bác sỹ bắt buộc vẫn phải dùng phương pháp này. Khi ghép theo phương pháp truyền thống, bạn cần 6 tháng mới có giác mạc ổn định
Phương pháp mới nhất hiện nay trên thế giới là phương pháp ghép giác mạc từng phần, nghĩa là chỉ thay thế những lớp giác mạc có vấn đề và giữ lại những lớp bình thường. Nhờ đó, tỷ lệ thành công lên đến 98%, ít biến chứng và khả năng phục hồi thị lực tốt. Thời gian để có giác mạc ổn định cũng chỉ trong vòng 1 tháng.
Thêm vào đó, do chỉ cần một phần giác mạc để thay vào giác mạc hư hỏng nên một giác mạc có thể ghép được cho hơn một người. Như vậy, phương pháp mới này không chỉ hiệu quả hơn mà còn giúp nhiều người có cơ hội được nhận giác mạc, tìm lại ánh sáng.
Vậy đâu là dấu hiệu sớm cảnh báo người bệnh phải đi ghép giác mạc, thưa bác sỹ?
Dấu hiệu đầu tiên là thị lực giảm đi, bạn nhìn mờ đi. Một dấu hiệu nữa là mắt rất đau. Khi đó bạn cần phải đến khám bác sỹ ngay để tìm hiểu xem mắt mờ đi do bệnh giác mạc hay các bệnh liên quan đến mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… để có phương pháp điều trị sớm.
Khó khăn trong việc ghép giác mạc ở Việt Nam hiện nay là nguồn giác mạc hiến rất hạn chế bởi người Việt nói chung có tâm lý muốn thân thể nguyên vẹn sau khi qua đời. Vậy khi về phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện FV, bác sỹ có cách nào để đảm bảo nguồn cung giác mạc, không khiến người bệnh phải chờ đợi quá lâu? Chi phí ghép giác mạc một mắt hiện nay là bao nhiêu?
Chúng tôi phải nhập khẩu nguồn giác mạc ở các ngân hàng mắt quốc tế lớn ở Mỹ và các nước khác để đảm bảo nguồn giác mạc đầy đủ và có chất lượng tốt.
Trước đây, trong quá trình thăm khám ở Bệnh viện FV, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân có nguy cơ mù mắt do hỏng giác mạc. Vì lúc đó FV chưa được cấp giấy phép ghép giác mạc như bây giờ, tôi tư vấn cho họ sang Singapore phẫu thuật. Tuy nhiên rất nhiều người đành chịu mù vì không có điều kiện kinh tế. Bây giờ, khi tôi có thể về FV thực hiện phẫu thuật, tôi hy vọng có thể giúp nhiều bệnh nhân hơn.
Theo tôi, với các ca ghép tiêu chuẩn, bạn nên thực hiện ngay tại Bệnh viện FV vì giúp tiết kiệm rất nhiều. Nếu sang Singapore, bạn phải tốn khoảng gần 400 triệu/mắt cho chi phí mua giác mạc, ăn ở, đi lại, thuê thông dịch viên… Còn ở FV, bạn chỉ tốn khoảng 250 triệu đồng.
Trong trường hợp quá phức tạp, chẳng hạn như bỏng hóa chất, bạn vẫn phải sang Singapore để chúng tôi đảm bảo có đủ máy móc chuyên sâu giúp phẫu thuật những lớp giác mạc tinh tế.
Tại sao lại là đến Singapore chứ không phải một nước có nền y khoa tiên tiến như Mỹ?
Nếu là ghép giác mạc phiến trước, bạn nên đến Singapore vì đây là nước đứng đầu thế giới về phương pháp này. Nước Mỹ rất tiên tiến về y khoa nhưng với phương pháp này, Mỹ chỉ đứng hàng thứ 2 từ dưới lên.
Còn nếu ghép giác mạc nội mô, bạn có thể đến Mỹ. Mỹ xếp thứ 2 còn Singapore đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới.
Mách bạn:
Giáo sư Donald Tan sẽ về Bệnh viện FV mỗi 2 tháng/lần để thực hiện các ca cấy ghép giác mạc cho bệnh nhân có nguy cơ mù mắt do hỏng giác mạc.
Để đặt hẹn khám, bạn vui lòng liên hệ qua số điện thoại (08) 5411 3436 – (08) 54 11 33 33, máy nhánh 2000.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình