Dụng cụ làm bếp không dính đã trở nên quen thuộc với các bà nội trợ. Nếu như trước đây chỉ có chảo không dính, thì bây giờ đã có hàng loạt dụng cụ khác cũng có chức năng ưu việt này. Bạn có thể mua được nồi không dính, khuôn bánh chống dính, khay chống dính…
Công nghệ chống dính cũng đã có nhiều thay đổi và cải tiến không ngừng. Một số chất chống dính cho chảo, nồi phổ biến hiện nay gồm Teflon, Ceramic, đá hoa cương, Whitford, Dyflon… Mỗi chất liệu sẽ có ưu điểm riêng. TTGĐ sẽ đề cập đến trong 1 bài viết khác. Còn với bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách sử dụng và bảo quản các dụng cụ làm bếp không dính. Vậy, xài sao để “bao” bền?
Khi vừa mới tậu một dụng cụ làm bếp không dính bất kỳ
Bạn vừa được mua một món đồ dùng làm bếp mới toanh. Đừng quá háo hức mà khui ra sử dụng ngay nhé. Hãy rửa tráng qua bằng nước xà bông, xả lại với nước lạnh và lau không bằng vải bông hoặc vải lanh mềm. Bạn chưa cần “kỳ cọ” trong lần đầu tiên này đâu!
Rửa sạch ngay sau mỗi lần sử dụng
Việc làm sạch mọi dấu vết, từ cặn đồ ăn đến “tồn dư” dầu mỡ, sẽ giúp bảo quản tốt mọi dụng cụ nấu nướng. Bất kỳ nguyên vật liệu nào còn sót lại trên bề mặt lâu ngày sẽ bị carbon hóa; phát sinh vi khuẩn; thậm chí là bám dính, khó chùi rửa hơn. Vậy nên, sau khi sử dụng, hãy rửa sạch ngay nhé!
Cách rửa dụng cụ làm bếp không dính đúng cách
Những gì bạn cần gồm có nước ấm, nước rửa chén nồng độ tẩy rửa thấp hoặc xà bông rửa tay, miếng mút rửa chén (miếng bọt biển) và khăn khô. Lưu ý, bạn không nên ngâm nồi/chảo trong nước rồi mới bắt đầu rửa. Việc ngâm lâu trong nước có thể làm thay đổi kết cấu bề mặt chống dính. Hãy để dụng cụ nguội hẳn và tiến hành rửa. Có 4 bước để rửa:
Luôn luôn rửa bằng tay
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của máy rửa chén, nhưng các dụng cụ chống dính không nên rửa bằng máy. Hãy luôn rửa bằng tay. Nhiệt độ cao của máy rửa chén không chỉ có thể làm hư bề mặt chống dính; mà còn làm “tổn thọ” sản phẩm nhanh chóng.
Chà nhẹ nhàng
Ở bước này, tuyệt đối không dùng miếng cước chùi nồi nhé. Chúng sẽ ma sát mạnh, mài mòn và làm tróc bề mặt chống dính. Bạn chỉ được dùng miếng mút hoặc bọt biển và chà nhẹ nhàng. Bạn có thể sử dụng miếng chùi rửa 2 mặt nhưng hạn chế áp bề mặt nhám lên dụng cụ.
Rửa sạch với nước ấm
Nếu được, hãy rửa lại bằng nước ấm. Nhiệt độ cao hơn sẽ cuốn trôi dầu mỡ dễ hơn. Bạn nhớ rửa kỹ để đảm bảo không còn sót lại tí bọt xà bông nào nhé!
Lau khô
Nếu chưa vội vàng cất vào tủ, bạn có thể để ráo nước ở kệ rửa chén. Còn không, hãy lấy khăn sạch và lau khô hoàn toàn.
Cất trữ đúng cách
Cất trữ cẩn thận rất quan trọng để kéo dài tuổi thọ và hiệu suất sử dụng của dụng cụ làm bếp không dính. Hầu hết các nhà sản xuất khuyên bạn nên treo nồi/chảo lên kệ. Đừng lo lắng nếu bạn không có giá treo. Bạn có thể cất trong tủ một cách an toàn bằng cách xếp chồng lên nhau và xen kẽ bằng một miếng vải mềm. Mục đích để bảo vệ bề mặt không dính tiếp xúc với các bề mặt khác. Từ đó hạn chế làm trầy xước hoặc hư hỏng.
Sử dụng dụng cách
Quy tắc quan trọng nhất khi sử dụng dụng cụ làm bếp không dính là không bao giờ sử dụng dụng cụ kim loại lên trên bề mặt không dính. Chúng có thể làm hỏng lớp phủ trong tích tắc. Lựa chọn thay thế là nhựa, silicone hoặc các dụng cụ được thiết kế cho các bề mặt không dính. Ngoài ra bạn có thể thân thiện hơn với môi trường khi chọn gỗ. Ngoài ra, không sử dụng chảo không dính ở nhiệt độ cao hơn 230 độ C (450 độ F).
Tiếp Thị Gia Đình