Đừng chủ quan trước tình trạng khó thở khi ngủ

Khó thở khi ngủ có thể là dấu hiệu của nhiều bất ổn sức khỏe nghiêm trọng, liên quan đến tim và phổi

khó thở khi ngủ

Ảnh: Shutterstock

Orthopnea là tình trạng thở gấp hoặc thở khó khi đang nằm. Nếu bạn gặp chứng này, việc thở sẽ trở nên nặng nề, khó khăn mỗi khi bạn nằm xuống. Một khi ngồi hoặc đứng dậy, tình trạng thở sẽ được cải thiện. Bạn không nên chủ quan bởi trong đa phần trường hợp; chứng khó thở khi nằm hoặc khó thở khi ngủ là dấu hiệu của suy tim.

Các nguyên nhân của chứng khó thở khi ngủ

Khi bạn nằm xuống, máu sẽ chảy từ chân trở lại tim và sau đó đến phổi. Ở những người khỏe mạnh, sự lưu thông máu trở lại này không gặp bất kỳ vấn đề gì.

Tuy nhiên, nếu bị bệnh tim hoặc suy tim, tim của bạn có thể không đủ khỏe để bơm thêm máu ra khỏi tim. Điều này có thể làm tăng áp lực các tĩnh mạch và mao mạch bên trong phổi, khiến chất lỏng bị rò rỉ vào phổi. Chất lỏng dư thừa là nguyên nhân khiến bạn khó thở.

Cũng có các nguyên nhân khác gây ra chứng khó thở, bao gồm hen suyễn, phù phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, béo phì, cổ trướng, liệt cơ hoành…

Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng gây ra tắc nghẽn hoặc hẹp đường thở, khiến bạn cảm thấy khó thở hơn khi nằm. Bạn có thể có kèm các triệu chứng như thở khò khè, ho, có nhiều chất nhầy và tức ngực.

Phương pháp điều trị khó thở khi ngủ

Dưới đây là vài lưu ý trong quá trình điều trị cho từng nguyên nhân mà bạn không nên bỏ qua.

Hen suyễn: Bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân kích hoạt hen suyễn. Đồng thời nên kê gối khi ngủ để giữ cho đường thở thông thoáng hơn.

COPD: Điều trị COPD có thể bao gồm các loại thuốc hít; thuốc điều trị bổ sung và liệu pháp oxy. Song song đó, bạn cũng cần bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

Viêm phổi: Bệnh này có thể được điều trị bằng kháng sinh, thuốc ho, thuốc giảm đau hạ sốt.

Suy tim: Ngoài việc tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị của bác sĩ, tùy trường hợp; bạn sẽ cần đến một số thiết bị hỗ trợ hoạt động của tim. Ngoài ra, bạn có thể kê gối cao khi ngủ để thở dễ dàng hơn. Bạn cũng nên trang bị máy thở oxy tại nhà.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.

Chứng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trung niên và nam giới. Những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to,…); uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc an thần có nguy cơ mắc cao hơn.

Giảm cân, hạn chế bia rượu và không tùy tiện sử dụng thuốc an thần sẽ giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bạn có thể cần sử dụng các thiết bị thở áp lực dương liên tục (CPAP).

Cuối cùng là giải pháp phẫu thuật mở rộng khoảng thở vùng họng bằng cách cắt bỏ tổ chức mô mềm thừa ở màn hầu và thành bên họng. Bên cạnh đó có thể kèm cắt amidan.

Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua