Từ xưa đến nay quan niệm xuất giá tòng phu; đức hạnh đàn bà là phải giỏi thờ chồng nuôi con đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người Việt Nam. Tất nhiên, cho đến khi bạn nhìn thấy những chồng bát đĩa cao ngất khi về quê chồng ăn Tết; mà bạn phải cười thật tươi để rửa trong cái lạnh như cắt da cắt thịt. Và tất nhiên không chỉ có vậy, bạn phải làm tất cả mọi thứ việc nhà thì đức hạnh đàn bà của bạn mới chuẩn.
Nhân ngày 8-3, thời đại 4.0, đức hạnh đàn bà kiểu này có còn là khuôn thước cho chị em làm theo?
Những ông chồng cổ lỗ còn nhiều
Theo truyền thống lâu đời; đàn ông Việt Nam đòi hỏi và đón nhận sự phục tùng của người vợ như một lẽ đương nhiên. Đàn ông đáp lại sự phục tùng đó của phụ nữ bằng những lý do có vẻ rất trọng đại và không kém phần kể cả; tự hào: “Tôi gánh vác gia đình, vợ tôi nên hiểu và biết điều”. Hình như với nhiều người; sau hôn nhân chỉ là cuộc chơi trách nhiệm; được phân vai và tình yêu khi đó đã là một món hàng thuận mua, vừa bán; đừng có ý kiến gì nhiều.
Cứ cho là những người đàn ông giỏi giang kiếm tiền nhiều như rác có quyền gia trưởng; nhưng một điều nực cười là những người đàn ông “yếm thế, thất bại” lại càng có nhu cầu ra oai với vợ.
Đừng trao quyền làm chủ đời mình cho ai
Nhiều phụ nữ đã ngoan ngoãn im lặng trao quyền “làm chủ cuộc đời mình” cho đàn ông; và mức độ nô dịch mà họ gánh chịu cứ tăng dần theo thời gian. Họ càng tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời thì đàn ông càng kiếm ra những chuyện quá quắt để quát tháo thể hiện uy quyền với họ.
Báo chí, truyền hình, sách vở vẫn nói ra rả về quyền của phụ nữ; chúng ta nên bảo vệ họ ra sao nhưng thực tế có bao nhiêu đàn ông quan tâm và muốn làm điều đó? Đàn ông thích chứng tỏ quyền lực với phụ nữ là một vấn đề xã hội mang tính bệnh lý. Và nếu anh ta khiến vợ khủng hoảng thì anh chàng đó khá hèn. Nhưng đừng ai dại mà nhận xét vào mặt họ điều đó; nếu đứng trước người yếu thế, anh ta sẽ sừng sộ; với người mạnh hơn thì đành nuốt cục tức vào và về nhà trút lên đầu vợ.
Tôi đã từng nhìn thấy nhiều người phụ nữ rúm ró khi chồng lừ mắt ở nơi công cộng; vậy khi họ ở nhà thì sao? Với nhiều người đàn ông; vợ chỉ như một vật phẩm mang tính chức năng: phục tùng, sinh con đẻ cái, lo chuyện bếp núc giặt giũ, chiều chồng trong chuyện chăn gối và quan trọng nhất là đừng bao giờ để chồng mất thể diện.
Giữ thể diện?
Trong dịp về Hải Phòng ăn Tết; tôi có nói chuyện với một số nàng dâu phương xa trong xóm về vấn đề này, đa số đều cho rằng: “Những người phụ nữ không thờ chồng chăm con tận tụy và viện cớ này nọ chỉ là do họ lười. Tôi phục vụ ông xã một cách hết lòng, chẳng than thở mấy dù đôi khi ông ấy có hơi vô tâm. Nhường nhịn chồng một chút cũng là giữ thể diện cho gia đình. Tuy nhiên, tôi phản đối chuyện đánh và sỉ nhục vợ. Điều đó nhất định là sai trái”.
Mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng nhà nào giống nhà nào. Bạn có biết, có những người phụ nữ còn thấy khoái cảm khi bị đàn ông áp bức. Và họ thường trở thành những bà mẹ chồng như… lời đồn!
Bạn nên đối phó với chồng gia trưởng thế nào?
Điều đầu tiên bạn cần nhớ; đừng mong thay đổi ai ngay lập tức. Gia trưởng hay yếm thế đã là bản tính ăn sâu vào đàn ông, bạn cần kiên nhẫn. Chắc chắn hai người cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn với nhau.
Những người đàn ông gia trưởng không quen việc ngang hàng với vợ. Bạn cần tinh tế và khéo léo. Vẫn có những giờ phút chồng tỏ ra yêu thương vợ kiểu như ban phát; hoặc hài lòng như sau những giờ phút ân ái; một bữa cơm bạn nấu quá ngon… Hãy tận dụng những khoảnh khắc đó. (Tuyệt đối không đưa ra bất cứ lời bình luận nào những lúc chàng lên cơn và chơi trò quyền lực). Bạn hãy nói về những ưu điểm của chồng trước.
Hãy nói cho anh ấy biết bạn từng tự hào vì anh ấy như thế nào; anh ấy từng thể hiện những điều gì tốt và khiến bạn hạnh phúc ra sao. Khi chàng đang lim dim tận hưởng sự ve vuốt đó và thấy “bạn cũng là người biết nghĩ đấy chứ”; hãy tung đòn quyết định.
Ví dụ: “Thực lòng có nhiều lúc em cũng sợ anh lắm (nói nhẹ nhàng hoặc nũng nịu, đừng quên vuốt ve, chạm vào chàng). Em vẫn thích được anh yêu chiều hơn. Tuy nhiên, em cũng biết những khi nóng giận với em vì em sai; em làm anh phật ý, anh cũng đau lòng lắm. Giá như những lúc đó, anh đừng làm em sợ quá như lần…”.
Cứ rủ rỉ và đừng thuốc chồng quá liều.
Học cách bày tỏ quan điểm
Đúc kết lại, nếu muốn ý kiến của mình được chồng nhìn nhận và tôn trọng; bạn nên bày tỏ quan điểm khi chồng vui vẻ, thoải mái. Luôn luôn nhớ nguyên tắc, giữ thể diện cho chồng; nói những điều chồng muốn nghe và nhân cơ hội làm cách mạng. Điều gì bạn thấy đúng, cứ lẳng lặng làm; để anh ấy nhìn nhận là bạn đúng và khi “báo cáo” lại; hãy cho anh ấy cái công kiểu như “nhờ anh mà em biết…”. Hãy luôn giữ gìn sức khỏe, tài chính cho bản thân.
Nếu thấy chồng vừa về đến nhà là tìm cách gây chuyện, bực tức, bạn nên im lặng. Bạn cần nhớ, đừng để chồng đánh. Bạn cố gắng chạy khỏi nhà, về nhà bố mẹ vài ngày. Anh ta phải lo hết mọi việc, chăm con và vì sĩ diện nên anh ta sẽ không để hàng xóm láng giềng biết chuyện đâu. Khi anh chồng chịu không nổi, nhớ bạn, năn nỉ thì hãy quay về. Dù đúng dù sai, bạn cứ xin lỗi trước và làm hòa. Bạn phải khiến anh ta sợ không đánh bạn nữa, dù với lý do rất tức cười là sợ mệt, sợ chăm con một mình!
BÀI: XUÂN CA
Tiếp Thị Gia Đình