Du lịch từ thiện từ lâu đã phổ biến trên thế giới và đang dần trở thành một xu hướng mới đối với ngành du lịch nước ta. Ngày càng có nhiều người thích đi du lịch kết hợp với làm từ thiện, giúp đỡ người khác và muốn góp một phần cho cộng đồng ở nơi mình đến.
TỪ CẢM HỨNG CÁ NHÂN
Một năm 2–3 lần, chị Lê Thị Thanh Trâm, TP. HCM, lại kêu gọi các đồng nghiệp trong công ty: “Các anh, chị có đồ cũ không còn sử dụng thì cho em xin nhé. Em sắp đi du lịch từ thiện ở Tây Bắc”. Là nhân viên kinh doanh năng động, chị Trâm cho biết mình không thích đi du lịch theo tour: “Tôi chỉ chọn tour nếu đi du lịch nước ngoài, ở những nơi mình không biết nhiều về lãnh thổ, địa bàn. Còn lại tất cả những lần đi du lịch trong nước, tôi đều đi theo dạng phượt, đi du lịch kết hợp làm từ thiện”.
Chuyện kết hợp làm từ thiện cũng đến tự nhiên từ cảm xúc trong một chuyến đi. Chị chia sẻ: “Trước đây, tôi đi du lịch phượt nhưng thường chỉ hướng tới mục đích nghỉ ngơi và thư giãn. Một lần đến vùng cao Điện Biên, trời lạnh căm căm, tôi mặc áo, đi tất, đi giày dày cộm mà nước mắt, nước mũi vẫn đổ ra ào ạt. Trong hoàn cảnh đó, tôi nhìn thấy một bé gái chừng 3 tuổi mặc mỗi chiếc áo phong phanh, không có quần và đi chân đất. Chân em lạnh đến nỗi đỏ tấy, sưng phồng, phát cước. Tôi thương quá mà chẳng có áo, quần cho em. Từ đó, tôi quyết định đi theo hướng du lịch từ thiện, hy vọng có thể chia sẻ chút ít hạnh phúc và may mắn của mình cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Trước ngày dự định lên đường, tôi sẽ dùng tiền tiết kiệm mua ít quà, ít đồ chơi, bánh, quần áo, giày dép… cũng như xin đồ cũ mang theo. Nơi chúng tôi chọn là các vị trí heo hút, nghèo khó nhưng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hoang sơ, trong lành, đủ để thư giãn, nghỉ ngơi mà ít tour du lịch nào đi tới. Tôi ở Sài Gòn, thích cái lạnh lẽo, thích nhìn những đám sương mù chơi vơi trên ngọn núi, thích ngửi mùi khói lam chiều bốc lên từ các nóc nhà dân dã và ham khám phá cuộc sống xa lạ… nên tôi hướng về Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang…”.
Theo chị Trâm, hình thức đơn giản nhất của du lịch từ thiện là tặng quà. “Dọc đường trèo đèo, lội suối đi đến điểm du lịch, gặp em bé nào nghèo, thiếu thốn, nhìn nóc nhà nào quá xơ xác, chúng tôi sẽ ghé vào thăm hỏi, tặng quà. Cứ thế, đi đến điểm du lịch, quà cũng đã hết sạch rồi. Cách này đơn giản, dễ làm, thích là xách ba lô lên đường, không cần có người tiền trạm. Với kiểu du lịch này, tôi không thích thuê khách sạn mà muốn ngủ ở nhà dân dù… rét lắm”, chị nói.
ĐẾN TỔ CHỨC THEO NHÓM
Ngoài đi dạng cá nhân, chị Trâm cũng thích đi theo nhóm Đồng hành Thiện nguyện đoàn ở Hà Nội. Do có tổ chức, các chương trình từ thiện được thực hiện quy mô hơn như xây trường học, làm Tết Trung thu cho trẻ em nghèo… Mỗi năm, nhóm Đồng hành Thiện nguyện đoàn tổ chức 2–3 chuyến du lịch từ thiện. Mới đây nhất, nhóm có 7 thành viên thực hiện chuyến đi Hà Giang. Thay vì đi con đường quen thuộc, nhóm chọn đi theo cung đường khác, xa hơn và ít người đi. Đại diện nhóm giải thích: “Con đường quen thuộc đã có nhiều người đi. Năm nay lại có lễ hội hoa tam giác mạch nên rất đông du khách đến tham quan, trẻ em dọc cung đường chắc chắn được giúp đỡ nhiều. Đó là lý do chúng tôi đi đường vòng, lượn qua nhiều làng bản với mục đích đem chút ấm áp đến cho những trẻ em ít được quan tâm, đồng thời có không gian trong lành tuyệt vời để thư giãn. Chúng tôi rất thích cảm giác ngồi trên đỉnh đèo giữa không khí lạnh căm, gió thổi ù ù, nhìn ngắm làng bản nép mình dưới núi đồi mà pha cà-phê, nướng mực, ăn uống cùng nhau. Cảm giác rất phiêu mà đi theo tour định sẵn, tour quen thuộc không có được”.
Cũng đi theo nhóm du lịch từ thiện, cả gia đình nhỏ của chị Lê Minh Hùng đã tham gia nhiều chuyến đi cùng hội từ thiện Phước Điền trong hơn hai năm qua. Hội từ thiện này thường kết hợp với các doanh nghiệp, bệnh viện, đi đến các vùng sâu, vùng xa để khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Trung bình, nhóm đi 1–2 lần mỗi tháng. Chị kể về con trai 5 tuổi: “So với thời trước khi đi “bụi” cùng cha mẹ, con tôi rắn rỏi hơn nhiều. Trước khi ra khỏi nhà, bé bị sổ mũi, nhưng sau khi về bé hết bệnh. Đi Sơn La gặp mưa rừng, cả nhóm phải đi bộ, con có thể đi bộ bì bõm trong nước lầy cả 10km mà vẫn khỏe re. Tôi muốn đi thật nhiều, nhiều nữa bởi đó không chỉ là dịp vợ chồng, con cái bên nhau, gắn bó hơn mà còn là cách giúp con tăng cường sức khỏe, dạy con cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người. Bước ra ngoài, hòa nhập vào xã hội, con sẽ học được rất nhiều điều quý giá”.
Khác với du lịch thông thường, người đi du lịch từ thiện phải đi lại vất vả hơn, mang vác cồng kềnh và có khi cả ngày chỉ được ăn cơm cháy, mì tôm. Bù lại, họ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hoang sơ, ít người biết, được đón nhận tình cảm quý mến của bà con nơi mình đến. “Có lần người dân tha thiết mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Cơm của họ là ngô xay nát, nấu cùng với nước rau luộc, chẳng có muối và nước mắm… khiến tôi không sao nuốt được. Tuy nhiên, đó là thức ăn hàng ngày của họ, phải quý lắm họ mới mời mình ở lại ăn. Nếu đi du lịch thông thường, tôi sẽ chẳng có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thật như thế, để thêm thương những người xung quanh mình và cảm nhận rằng mình đang vô cùng may mắn, hạnh phúc”, chị Thanh Trâm chia sẻ.
TOUR DU LỊCH TỪ THIỆN
Nắm bắt được tâm lý vừa muốn đi du lịch vừa muốn giúp đỡ cộng đồng địa phương, một số công ty du lịch đã bắc nhịp cầu đưa du khách đến với những nơi cần có sự giúp đỡ. Từ mùa đông 2012, Vietravel Hà Nội kết hợp cùng với các khách hàng thân thiết triển khai hành trình du lịch từ thiện “Áo ấm cho em” tại Hà Giang. Đến nay, chương trình đã đến với nhiều điểm trường ở vùng Đông Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ… trao tặng hàng nghìn bộ quần áo ấm, chăn bông, đồ dùng học tập, thực phẩm… cũng như mang niềm vui, nụ cười đến cho các em học sinh nghèo.
Anh Phạm Văn Bảy, Công ty du lịch Vietravel Hà Nội, cho biết: “Việc xây dựng tour du lịch từ thiện của Vietravel thường bắt đầu vào tháng 7 và sẽ lên đường từ tháng 9 đến cuối năm, khi đông ùa về. Mỗi năm, công ty tổ chức 2–3 tour vào những thời điểm thời tiết thuận lợi. Năm 2015, tour du lịch từ thiện vừa khép lại với hai hành trình Yên Bái – Sapa (4 ngày), Phú Thọ – Yên Bái – Thái Nguyên (3 ngày)… Chúng tôi cảm thấy rất bất ngờ với sự ủng hộ của khách hàng. Khách hàng đăng ký quá đông nhưng do điểm đến không thuận lợi, chúng tôi chỉ dám nhận 50 du khách. Dù có nhiều hạn chế về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại ở vùng núi cao khó khăn, heo hút nhưng không cản bước được du khách bởi họ không chỉ đi du lịch vì mình mà còn vì người khác”. Với tour từ thiện, Vietravel Hà Nội hỗ trợ 100% chi phí đi lại và vận chuyển quà tặng. Khách du lịch chỉ phải trả chi phí ăn, ở, vé tham quan (nếu có).
Du khách có thể quyên góp với Vietravel Hà Nội hoặc tự chuẩn bị quà tặng, gửi cho công ty đóng gói để đến nơi có thể tận tay trao tặng món quà của mình. Ngoài thời gian làm từ thiện, du khách vẫn có thời gian nghỉ ngơi, tham quan những thắng cảnh đẹp. Sau chuyến du lịch từ thiện với Vietravel, chị Thanh Hòa, Hà Nội, chia sẻ: “Với tôi, du lịch từ thiện vừa là hành trình khám phá vừa là hành trình sẻ chia. Tôi muốn đem sự giúp đỡ đến những vùng xa xôi vì nơi đây, các em thực sự khó khăn, thật sự cần thêm những vòng tay”.
Bạn muốn tham gia du lịch từ thiện?
• Nhóm Đồng hành Thiện nguyện đoàn đang lên kế hoạch đi Lai Châu vào khoảng ba tuần trước Tết Nguyên Đán 2016. Nếu muốn trải nghiệm, bạn có thể liên hệ với nhóm qua Facebook: Đồng Hành Thiện Nguyện Đoàn
• Nếu muốn tham gia hội từ thiện Phước Điền, bạn có thể tham khảo qua website www.tuthienphuocdien.org
• Nếu muốn đi tour du lịch từ thiện, bạn có thể liên hệ với:
♦ Vietravel Hà Nội, số 3 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm, điện thoại (04) 3933 1978
♦ Hà Nội Redtours, 63 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại (04) 3928 5588 và 569 – 573 Trần Hưng Đạo, Q. 1, TP. HCM, điện thoại (08) 3920 9601.
Bài: THIÊN MINH
Mục Câu chuyện con người / Tiếp Thị Gia Đình