Du lịch ngày Tết đang trở thành xu hướng trong cuộc sống hiện đại. Chuyến đi đầu xuân mang phong vị rất riêng, đánh thức những cảm xúc tươi mới trong tâm hồn để rồi trở về với ăm ắp những dự định cho năm mới.
Tết là lên đường!
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên Đán nhưng chị Lệ Thủy (27 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) đã bỏ ra 6 triệu đồng đặt vé máy bay chặng Hà Nội – Sài Gòn cho cả gia đình. Kế hoạch Tết năm nay của gia đình chị thật bận rộn: Bay vào Sài Gòn từ 26 Tết, thăm một vài người bà con, sau đó đi miệt vườn miền Tây và điểm đến cuối cùng là mũi Cà Mau. Cả nhà dự định chơi đến hết Tết mới về Hà Nội. “Còn gì thú vị bằng những ngày xuân bồng bềnh trên sông nước miệt vườn trong lành, được ngắm chợ nổi luôn nhộn nhịp, đi dưới vườn cây trĩu quả và gặp gỡ, trò chuyện với những người dân quê chân chất, cởi mở”, Thủy háo hức. “Đổi gió” Tết bằng những chuyến du xuân phương Nam, vì thế ai cũng mong thật nhanh đến Tết.
Nhớ năm ngoái, tối mồng 2 Tết, sau khi thực hiện xong các “thủ tục” lễ lạp, thăm họ hàng đôi bên nội ngoại, gia đình chị Nguyễn Thùy Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội) lập tức lên đường đi du lịch Sa Pa. Chị Linh bày tỏ:
Chuyến đi dài bốn ngày, cả ba gia đình trẻ tự tổ chức nên mọi thứ vô cùng thoải mái. Đi chơi núi chán chê, đói bụng là vào quán xì xụp nồi lẩu nóng hổi. Chị em phụ nữ được thảnh thơi, không phải u mê nấu nướng, dọn dẹp như mọi năm. Còn tụi trẻ con thì khoái chí khi lần đầu tiên được vào bản, biết đến cuộc sống của bà con dân tộc, ngắm nhìn núi đồi bao la, khác xa với cuộc sống phố phường ồn ã thường ngày. Tôi nghĩ, ở nhà chúc tụng mãi cũng rất nhàm mà các con lại bị thiệt thòi, chi bằng cùng số tiền chuẩn bị Tết đó, ta đi du lịch. Du lịch khiến Tết thực sự biến thành một kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa.
Năm nay, chị đã lên kế hoạch cùng cả gia đình đi du lịch Hội An. Tuy nhiên, dù có đi du lịch ở đâu thì năm nào chị cũng ở nhà vào giao thừa, ngày mồng 1 và đến tối mồng 2 mới đi. Cúng giao thừa, cúng tổ tiên, đi chùa là những truyền thống đẹp mà chị không thể nào cho phép mình bỏ lỡ trong ngày đầu xuân.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, từ 15−2−2015 đến hết ngày 23−2−2015. Vì thế, trong chương trình Tết của nhiều gia đình đã xuất hiện thêm mục “du lịch xa”. Với những gia đình khá giả, những chuyến đi du lịch ngày Tết của họ vươn sang những quốc gia hàng xóm như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông… với mục đích vui chơi, mua sắm. Còn sau Tết, các tour du lịch trong nước, tour hành hương, lễ chùa lại đắt khách.
Phượt Tết “không giống ai”
Với những bạn trẻ thích sự mới mẻ, chủ động khám phá thì du lịch bụi, phượt ngày Tết là một lựa chọn tối ưu. Dường như chẳng có diễn đàn nào về phượt, về du lịch của người Việt trẻ lại chưa từng nghĩ đến chuyện chu du Mộc Châu (Sơn La) ngày xuân. Họ đến Mộc Châu theo từng khoảnh khắc xuân, hạ, thu, đông và gọi tên nơi này bằng những mùa hoa. Mỗi mùa cải trắng, mỗi mùa đào nở, những người trẻ lại kéo nhau lên chụp ảnh cưới, ảnh kỷ niệm ngày yêu nhau. “Cảm” Mộc Châu vì lý do dung dị đó, cứ đến Tết là Tiến Thành cùng một nhóm bạn đã lặn lội từ Khánh Hòa ra Hà Nội. Với tấm vé xe khách giường nằm chỉ 160.000 đồng xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, cả nhóm bắt đầu hành trình 200 km theo hướng Tây Bắc để lên Mộc Châu.
Dọc Quốc lộ 6, đoạn qua địa phận Mai Châu − Mộc Châu, hiện lên qua cửa kính xe khách là những triền hoa mận nở trắng ở các bản Loóng Luông, Phiêng Luông… Điểm xuyết trong sắc xanh của trời mây, rừng núi là sắc đỏ của những vườn đào rừng, đào đá thơ mộng. Ưa xê dịch, cả nhóm đã thuê xe máy với giá 100.000 đồng/ngày để băng qua những con dốc cheo leo chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh thị trấn Mộc Châu mùa hoa mận. Cậu say mê thu vào ống kính máy ảnh những căn nhà ngói xám vách đất lô nhô giữa rừng hoa mận trắng, một chú ngựa thơ thẩn trong vườn mận của người Mông ở bản Áng, rồi sau đó xuống bản nhập cuộc vào bữa ăn của gia đình người Mông với chén rượu ngô cay nồng, thịt heo mán săn chắc… Trở về, đứa mua bó rau rừng tươi non, đứa thì mua bánh sữa, chè tuyết, mật ong − những đặc sản của xứ sở cao nguyên để làm quà. “Đi để chụp ảnh, ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy. Đôi chân đặt đến đâu sẽ làm tăng vốn hiểu biết về văn hóa, kỹ năng sống đến đó. Chuyến đi đầu năm cho tôi niềm tin suốt cả năm đó sẽ có nhiều chuyến đi thú vị như thế!”, Thành bộc bạch.
Cũng bằng phương tiện đặc thù của nhóm là xe gắn máy, các thành viên trong Câu lạc bộ Du khảo TP. HCM luôn xác định sẽ hưởng một cái tết “không giống ai”. Đó là đón giao thừa Tết dương lịch ở Hòn Ông (Khánh Hòa). Vẫn tại địa điểm này, có năm giao thừa trăng sáng vằng vặc, có năm sương giăng chẳng nhìn rõ mặt người. Các anh em chiến hữu chia nhau ly rượu ấm nồng, ngồi tổng kết lại những chuyến đi của năm cũ rồi chia sẻ dự định trong năm mới. Có chuyến đi từ mồng 3 Tết Âm lịch, họ đến địa điểm du lịch hoang sơ nào đó, tự câu cá, nấu cơm giữa thiên nhiên bên ánh lửa trại bập bùng. Có năm cả câu lạc bộ làm chuyến lên vùng núi Tây Bắc để ngắm hoa đào, hoa mận bung nở. Năm khác, mọi người lại rủ nhau đi ngắm hoa dã quỳ vàng ươm ở Đà Lạt, rồi kết thúc hành trình là đến thăm và trao quà, học bổng cho trẻ em khó khăn.
Đạp xe thăm thú những địa chỉ “đỏ” ở TP. HCM cũng là kế hoạch không thể bỏ qua trong những ngày xuân. Thành lập từ năm 1993, đến nay tròn 21 tuổi, đón Tết theo cách “không giống ai” này đã trở thành điểm đặc trưng nhất của câu lạc bộ Du khảo TP. HCM. “Nhiều thành viên đã đi du lịch hầu như khắp nơi. Vì vậy, thử thách lớn của chúng tôi là tìm những điểm lạ, tránh lặp lại nhàm chán, đổi tuyến sáng tạo ở những nơi đã đi”, anh Trần Viết Hồng Lân, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết. Theo anh Lân, nếu như cách đây chừng 8 năm, các “xế” nam tranh nhau chở “ôm” là nữ giới. Thì đến bây giờ, số thành viên nữ trong câu lạc bộ còn nhiều hơn cả nam. Tuy vậy, dù là nam hay nữ, hành trang đi đường được vẫn gói gọn bao gồm bốn bộ quần áo, túi cứu thương, dụng cụ sửa xe, tấm bản đồ giấy và chiếc máy ảnh nhỏ. Tất cả thành viên trong đoàn đều được phổ biến rõ ràng cung đường, lịch trình cụ thể trong cả chuyến đi. “Bù lại, chúng tôi có những trải nghiệm mới, hiểu biết sâu và kỹ hơn về những vùng đất mình khám phá. Đi có hiểu biết chứ không phải là đi liều!”, một thành viên trong đoàn du khảo khẳng định.
Những cung đường mùa xuân đã giúp không ít mối tình đẹp được đơm hoa kết trái, cho nhiều ai đó tìm được một nửa của cuộc đời. Quỳnh Chi, một thành viên nữ đã cùng chồng tham gia chuyến Tây Bắc mùa xuân bằng xe máy và mong muốn hai vợ chồng sẽ thực hiện chuyến xuyên việt trên đường Hồ Chí Minh trong năm nay. Còn Trúc Vy (Q. 2, TP. HCM) đã đi với xế cả ngàn cây số rồi mới biết té ra “hai đứa ở trong cùng một thành phố”. Sự quan tâm của xế đã khiến Trúc Vy không khỏi rung động. Cả hai dự định, năm 2015 sẽ làm đám cưới. Tính đến nay, đã có 12 cặp nên duyên vợ chồng từ những chuyến du khảo ấy.
Box Vén khéo
PGS−TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ Tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết:
“Văn hóa Tết của người Việt truyền thống thiên về “ăn Tết”. Tuy nhiên, hiện văn hóa đó đang được dịch chuyển sang “chơi Tết”. Tôi cho rằng đây là sự thay đổi rất bình thường của con người, đặc biệt khi người Việt Nam chúng ta đã phát triển lên ở một bước mới về cuộc sống, nhận thức, sự tận hưởng của cuộc sống. Có người nói văn hóa xê dịch của người châu Âu có phần nào tác động đến sự thay đổi này nhưng thực tế ngay trong văn hóa người Việt đã có sự thay đổi. Đã qua giai đoạn người ta tập trung để ăn uống hay ăn no, ăn đủ. Tết ngày nay, người ta hướng đến giao lưu, sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống trên bình diện tinh thần. Cho nên, xu hướng “chơi Tết” là phù hợp, được lựa chọn như một diễn tiến phát triển của con người, xã hội Việt Nam.
Nghịch lý là người lớn tuổi thường mong muốn Tết được sum vầy bên con cháu. Trong khi gia đình trẻ, người trẻ lại thích được đi chơi xa vì Tết hay được nghỉ dài ngày. Là người giữ lửa trong gia đình, chị em cần vén khéo cho cuộc du xuân này được trọn vẹn mà không mất lòng bố mẹ đôi bên nội ngoại. Cúng trước giao thừa, lo cái tết xum vầy trước 30 hay sinh hoạt đại gia đình mùng 1 Tết là điều cần làm. Đi chơi xa ta thực hiện từ mùng 2 đến mồng 5, mồng 6 Tết – khi mọi thủ tục lễ lạp, thăm nom họ hàng đã hoàn thành. Thiết nghĩ, không nên khắt khe với việc con cháu đi du lịch ngày Tết. Cần nhìn nhận vui Tết như một sự lựa chọn văn hóa miễn sao phù hợp, dung hòa với từng điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Một khi yêu thương, cởi mở thực sự, cho dù không ở bên nhau nhưng bằng cách này hay cách khác, người ta vẫn cảm nhận được sự quan tâm, ấm áp của các thành viên trong gia đình”.
Bài: Thu Hà
Mục Phóng sự TTGĐ − Tiếp Thị Gia Đình