Chiều 23–3, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tại Australia đã xác định một du khách nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam.
Du khách này đến Việt Nam từ ngày 26–2 và về Australia ngày 6–3, đến ngày 8–3, du khách đó có biểu hiện triệu chứng nhiễm vius Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Khi ở Việt Nam, người này đã đi đến TP. HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Sau khi nhận được thông tin về du khách nhiễm virus Zika, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn và lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để làm việc với Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành liên quan nhằm chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây nên.
Trước đó, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống virus Zika và giám sát, xác minh sự lưu hành virus Zika tại Việt Nam, ngày 22–3–2016, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP. HCM, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương, nơi du khách nhiễm virus Zika đã từng đến để tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Đến nay, WHO thông báo trên thế giới đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành của virus Zika. Một số quốc gia như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… cũng ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika sau khi trở về từ các nước này và được coi như là nước có sự lưu hành virus Zika. Hiện các quốc gia này cũng đang tích cực triển khai các biện pháp giám sát, xác minh sự lưu hành virus Zika và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp. WHO cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến các quốc gia đang có dịch bệnh virus Zika này.
♦ Phụ nữ làm gì để bảo vệ mình khỏi virus Zika?
Hiện nay, vẫn chưa tìm ra vắc-xin phòng chống virus này. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt để bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika.
– Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể.
– Sử dụng màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà.
– Ngủ màn, kể cả ban ngày khi muỗi Aedes hoạt động.
– Loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp, đổ nước trong các vật dụng không chứa nước và đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.
Ngoài ra, phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi, siêu âm thai 3 – 4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình
Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây
Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.