Đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều ở người trẻ

Số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ trong 3 năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt số người mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới.

Nếu trước đây bệnh chủ yếu rơi vào nhóm tuổi 50 − 60 thì nay, độ tuổi mắc bệnh từ 40 − 45 tuổi. Thậm chí những người ở độ tuổi 20 hay trẻ hơn cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ, theo thống kê khoảng 83.000 người/ năm.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam kể từ năm 2013 đến nay có giảm (khoảng 17%) so với trước kia, song căn bệnh này đang trờ thành gánh nặng cho xã hội vì số lượng bệnh nhân bị tàn tật do căn bệnh này lại có xu hướng tăng mạnh (chiếm 90%) với nhiều di chứng như: liệt chi, liệt nửa người, viêm phổi, co cứng gân cơ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần dạng trầm cảm…

Đáng chú ý, trong số gần 500.000 người còn sống sau đột quỵ, chỉ có khoảng 25 − 30% có thể đi lại, tự phục vụ bản thân, 20 − 25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15 − 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự phục vụ của người khác.

Theo giới chuyên môn, đột quỵ là tình trạng rối loạn chức năng tuần hoàn não, xảy ra khi thiếu máu não cục bộ (do cục máu đông trong tim) hay mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp đột ngột quá mức. Bệnh đến từ thói quen sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, ít vận động. Bên cạnh đó, béo phì, chế độ dinh dưỡng kém, trầm cảm, rối loạn tim và mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Tổng hợp

 

Đừng bỏ qua