Xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG là xu thế phát triển chung của cả nước – Ảnh: Internet
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh có 25 tuyến xe buýt và 1.300 xe khách đưa rước công nhân mỗi ngày. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đưa rước của lực lượng công nhân ở Đồng Nai. Các phương tiện xe buýt, xe đưa rước công nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đang sử dụng nhiên liệu diesel.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc quy hoạch mạng lưới xe buýt và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường là chủ trương nhất quán của tỉnh. Dự án thay mới 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel sang xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG cũng chính là xu thế phát triển chung của cả nước và trên thế giới.
Theo tính toán của đơn vị chủ đầu tư, nếu sử dụng 500 xe buýt sử dụng CNG thay cho xe buýt sử dụng diesel trên 5 tuyến cố định và các tuyến đưa rước công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì mỗi năm giảm được trên 227 tấn khí ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nếu tính chung cho toàn mạng lưới khi sử dụng CNG, mỗi năm có thể tiết kiệm được gần 8 tỷ đồng tiền nhiên liệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh cho rằng, việc đầu tư hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG có nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Vì vậy, chủ trương đầu tư hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG trong tương lai là chủ trương cần được khuyến khích.
Dự án thay mới xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel bằng xe buýt sử dụng khí CNG do Công ty vận tải Sonadezi làm chủ đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ thay mới hơn 500 xe buýt dùng nhiên liệu CNG với kinh phí trên 640 tỷ đồng. Ngoài ra, trên nhiều tuyến xe buýt sẽ được xây dựng các trạm nhiên liệu CNG.
Nếu dự án được triển khai, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ thu hút người dân sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Đồng thời, chuyển biến này cũng sẽ góp phần cắt giảm lượng phương tiện cá nhân vốn đang quá tải đối với hệ thống đường sá hiện nay.
Nguồn TTXVN / Tiếp Thị Gia Đình