Đông lạnh não để hồi sinh người chết, tương lai của y khoa?

Nhiều người thường nghĩ chết là hết. Thế nhưng, anh chị Naovaratpong không nghĩ vậy khi con gái của họ qua đời

Bé Einz với đôi mắt tròn xoe đáng yêu khi lên hai

Không may mắn như những đứa trẻ khác, bé Matheryn Naovaratpong còn gọi là Einz, người Thái Lan, bị ung thư não và ra đi vào đầu năm 2015 khi gần ba tuổi. Lúc biết con không còn sống bao nhiêu ngày nữa, bố mẹ của Einz quyết định bảo quản não của con bằng phương pháp cryonics tại Tổ chức Kéo dài cuộc sống Alcor, Mỹ. Với phương pháp này, não bé sẽ được bảo quản qua nhiều thập kỷ, thậm chí dài cả thế kỷ.

TẠI SAO BỐ MẸ EINZ LẠI HY VỌNG?

Cả bố và mẹ của bé Einz là anh Sahatorn và chị Nareerat, đều là tiến sỹ trong ngành công nghệ điện tử, đồng ý thực hiện điều này. Họ hy vọng rằng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học, việc lưu trữ não của Einz có thể giúp phục hồi sự sống của bé trong tương lai.

Mặt khác, trước đây, bé Einz đã ra đời không theo cách tự nhiên mà từ một phôi đông lạnh trong phòng thí nghiệm và do một người mang thai hộ sinh ra. Gia đình Naovaratpong tin rằng công nghệ đã tạo ra cuộc sống đầu tiên thì có thể tạo ra cuộc sống thứ hai cho cô bé.

Gia đình của Einz còn lưu lại những kỷ niệm về cô bé trên ổ đĩa cứng. Nếu có thể hồi sinh, cô bé có thể xem lại các video clip, hình ảnh gia đình, hồ sơ bệnh viện và thư từ cá nhân để hiểu được nguồn gốc của mình.

CÔNG NGHỆ ĐÔNG LẠNH CRYONICS

dong-lanh-nao-be-gai-2-tuoi-cho-ngay-hoi-sinh2

Bé Einz cùng bố mẹ

Einz không phải là bệnh nhân duy nhất của Alcor mà là người thứ 134, nhỏ tuổi nhất nơi đây. Khi tình trạng bệnh của bé tưởng chừng khá hơn, bố mẹ lên kế hoạch đưa Einz đến Mỹ. Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày trước khi cô bé bay sang Mỹ, chức năng hô hấp của bé giảm đáng kể và phải thở máy. Do đó, gia đình không thể đưa bé sang Mỹ bằng máy bay.

Hai đại diện của Alcor đến Thái Lan để tiến hành những bước đầu của việc lưu trữ não. Sau khi bé ngừng thở, nhân viên pháp y xác nhận rằng bé đã chết và cấp giấy chứng tử. Lúc này, quá trình bảo quản não bắt đầu, nhưng họ không tách não cô bé khỏi cơ thể để tránh phiền phức khi đi qua hải quan trở về Mỹ.

Đầu tiên, họ chuyển bé lên giường được xếp một lớp đá khô, phủ tiếp đá khô khắp người bé, tiêm chất chống đông máu, chất bảo quản tế bào vào não để quá trình đông lạnh không làm tổn hại não. Dùng thiết bị thay máu bằng một chất chống đông. Sau đó, đặt cơ thể bé vào thùng chứa với đá khô và làm lạnh xuống nhiệt độ đá khô (gần –80°C).

Khi mang Einz về đến cơ sở của Alcor tại Arizona, Mỹ, các nhà khoa học tiến hành lấy bộ não ra và lưu trữ trong một thùng bằng thép không gỉ, chân không cách nhiệt chứa đầy ni-tơ lỏng ở –196˚C.

CƠ SỞ CRYONICS LỚN NHẤT THẾ GIỚI

dong-lanh-nao-be-gai-2-tuoi-cho-ngay-hoi-sinh1

Hiện Alcor đã có 1.332 thành viên, trong đó có 138 bệnh nhân (86 người bảo quản não, 52 người bảo quản toàn thân). Chi phí thực hiện 80.000 đô-la Mỹ (hơn 1,7 tỷ đồng) cho thành viên bảo quản não, 200.000 đô-la Mỹ (hơn 4,3 tỷ đồng) để bảo quản toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, gia đình của người tham gia bảo quản còn chịu thêm hội phí, phí trong thời gian chờ. Với việc lưu trữ não, các nhà khoa học kỳ vọng có thể tái tạo một cơ thể mới xung quanh não nhờ vào công nghệ tái tạo mô trong tương lai.

Mục Sức khỏe/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua