Công ty Ford từng yêu cầu các kỹ sư của mình đeo chiếc bụng bầu giả để có thể hiểu rõ cảm giác của phụ nữ mang thai sẽ khó khăn như thế nào, vướng víu ra sao… Từ đó, họ phần nào biết được những thách thức mà phụ nữ mang thai gặp phải khi lái xe như giới hạn của tầm với, sự lúng túng khi thay đổi tư thế…
Các kỹ sư cho biết họ nhận được nhiều lợi ích từ trải nghiệm này. Nó giúp họ hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là người mang thai. Câu chuyện khiến mọi người đánh giá cao về cái tâm của nhà sản xuất.
BẢN CHẤT CỦA ĐỒNG CẢM
Đồng cảm có thể trở thành quá tải? Đồng cảm giống như bạn lưu giữ nhiều thông tin khác nhau cùng lúc. Nếu như bạn đồng cảm quá mức đến nỗi bất cứ ai bạn cũng muốn đồng cảm với họ, bạn có thể bị quá tải. Do đó, những việc cần sự cảm thông nhiều như bác sỹ, y tá, nhà hoạt động xã hội, từ thiện, nhân viên giao tiếp… nếu không biết cân bằng thì về lâu có thể bị chai sạn.
Đồng cảm đi đôi với quy luật bù trừ: Đồng cảm không chỉ làm tiêu hao năng lượng và năng lực nhận thức, nó còn làm suy kiệt sức khỏe. Ví dụ, bạn đồng cảm quá mức cho chồng thì sẽ lơ là người khác, thậm chí không quan tâm cha mẹ. Bạn càng quan tâm con cái thì sẽ lơ là bạn đời. Vì thế, đồng cảm cần có giới hạn.
Có thể làm xói mòn đạo đức: Trong các cuộc khủng bố, vấn đề có thể không phải bắt nguồn từ sự thù hận mà từ lòng trung thành cực đoan. Nếu cố thấu hiểu họ, đồng cảm quá mức cho hành đồng của họ thì suy nghĩ của họ sẽ tác động lên bạn. Bạn có thể sẵn sàng bỏ qua tội lỗi của họ, thậm chí không nhận thức được sai trái của mình.
ĐỒNG CẢM ĐÚNG VÀ VỪA ĐỦ
Chia việc: Trách nhiệm cần được chia sẻ. Một người được giao nhiệm vụ gặp gỡ khách hàng thì các đồng nghiệp khác nghĩ đó không phải là trách nhiệm của mình. Nếu việc đó chia cho một nhóm người thì họ sẽ hiểu và đồng cảm cho nhau. Mối quan hệ sẽ khắng khít và mỗi người đều nỗ lực để đạt kết quả chung.
Không nên chỉ nghĩ đến lợi ích: Nhiều người nghĩ nếu người này được lợi thì người kia sẽ thiệt hại. Chẳng hạn, trong việc thỏa thuận lương, nhà tuyển dụng cho rằng phải nhận được thành quả xứng đáng với số tiền bỏ ra, còn ứng viên lại nghĩ nhà tuyển dụng lợi dụng sức lao động của mình. Nếu đều có lòng tin với nhau, người tuyển dụng biết cảm thông và khiến ứng viên không thấy mình bị bào mòn sức lực, thỏa thuận sẽ đạt được.
Nghỉ ngơi đủ: Ai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Sự đồng cảm cũng vậy. Nếu được tái tạo, nó sẽ giúp bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hãy dành thời gian cho bản thân. Các nhà quản lý có thể để nhân viên nghỉ ngơi như cách của Google: cho nhân viên dùng 20% giờ làm việc tập trung vào sở thích bản thân.
Nếu có thể, hãy nói chuyện với người liên quan, hỏi cảm giác của họ, họ nghĩ gì, muốn gì… Đó là cách để hiểu và cảm thông.
Bài: UYÊN HỒ
Mục Kỹ năng / Tiếp Thị Gia Đình