Đốn hạ cây xanh ở Hà Nội: “Còn nhanh hơn cả lâm tặc”

Kế hoạch thay thế cây xanh ở Hà Nội đã bị tạm dừng, nhưng bao nhiêu người dân vẫn xót xa nỗi đau mất cây

Cuối năm 2014, hàng loạt cây xanh trên đường Kim Mã, Nguyễn Trãi bỗng dưng bị chặt bỏ khiến bao người dân ngơ ngác. Con đường họ đi học, đi làm hàng ngày xanh mát bóng cây trở nên trống hoác. Ai nấy đều cảm thấy xót xa.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, khắp các mạng xã hội, báo chí và truyền thông lại sục sôi trước thông tin Hà Nội triển khai đốn hạ 6.700 cây xanh trên các tuyến phố. Người dân đã dán khẩu hiệu “đừng chặt tôi” lên nhiều thân cây. Một bà nội trợ còn lập ra hẳn fanpage “6.700 người vì 6.700 cây xanh” với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Bức thư ngỏ trên Fanpage nghe xót xa: “…Đêm qua, tôi nằm mơ thấy tiếng cưa máy lạnh lùng cắt đứt mạch sống của cây, giết chết bao lá cành đang còn xanh nên tôi cất lên một tiếng nói. Tôi hy vọng tiếng nói ấy được các bạn cùng đồng vọng để nó trở nên to hơn, để hy vọng, dù mong manh, là nó vang được vào tai những người quan trọng, rồi đến được nơi những chiếc cưa máy đang chuẩn bị giết chết một cái cây vô tội, để nó kịp dừng cuộc hành hình đó lại…”.

Một ông cụ ở phố Trịnh Hoài Đức bức xúc: “Khí thải xe máy ở Hà Nội quá độc hại, chỉ có hàng cây xanh là phễu lọc cho bầu không khí trong lành và làm dịu lại những căng thẳng của cuộc sống thành thị. Nếu cây mục rỗng, có nguy cơ đổ, chúng tôi sẽ ủng hộ chặt, nhưng những cây xanh vẫn còn khỏe thì chặt hàng loạt để làm gì? Cây trên rừng đã bị chặt rồi, giờ người ta lại đốn hàng loạt cây trên phố thì lấy đâu ra không khí trong lành nữa? Nếu chúng bị đốn hạ, tôi sẽ cảm thấy rất đau, như thể bị cắt đi một phần ký ức yêu thương của mình vậy”.

TieuDiem_HayTraLai_DaoThuHa
Chị Đào Thu Hường (Quận Đống Đa, Hà Nội)

Chị Đào Thu Hường (Quận Đống Đa, Hà Nội) – HỌ ĐANG LÀM NGƯỢC!

“Tại Mỹ, việc quản lý cây xanh đô thị được hướng dẫn đến từng người dân. Theo đó, mỗi cây xanh được theo dõi và ghi chép như một quyển nhật ký đối với cây. Tài liệu này chỉ rõ việc chặt cành như thế nào, di dời cây ra sao khi cần xây dựng một công trình quá gần đó, phải cắt cành sao cho diện tích cành bé hơn hoặc bằng diện tích chu vi bộ rễ. Không có một hướng dẫn nào về việc cắt bỏ khi cây còn đang sống. Cây nào có biểu hiện rất ít lá và nhiều cành khô chết, cây không có lá rụng trong một năm thì mới được cắt bỏ.
Nói đến Hà Nội, người ta không nhắc đến những tòa nhà cao tầng như Hồng Kông, New York; cũng không nhắc đến những công trình vĩ đại như Paris, Bắc Kinh, mà người ta nhắc đến dáng vẻ cổ xưa, yên bình. Những giá trị đó từ đâu mà có? Nó tích lũy từ những hàng quà quê, những tiếng rao đêm, những trưa hè êm ả… và cả những hàng cây xanh. Vậy mà chúng ta đang làm ngược, rất nhiều cây xanh đường kính bằng vòng tay người ôm cũng bị chặt bỏ tàn bạo”.

Nhà báo Trương Anh Ngọc (đang sống tại Ý) – CÁCH LÀM KHÔNG MINH BẠCH

TieuDiem_HayTraLai_TruongAnhNgoc

Nhà báo Trương Anh Ngọc

“Thành phố Roma xanh hơn Hà Nội rất nhiều và là một trong số những thủ đô có tỷ lệ cây xanh trên đầu người cao nhất châu Âu. Nội đô Roma có gần 200.000 cây xanh (gần gấp bốn lần Hà Nội mà dân số chỉ có 3 triệu), nhiều cây trong số đó cả trăm năm tuổi hoặc hơn thế. Năm nào ở Roma cũng có người chết vì cây đổ. Mỗi năm, số tiền chi cho việc điều trị dị ứng phấn hoa vào mùa xuân là rất lớn. Vậy mà người dân vẫn kêu cây ít, muốn trồng thêm cây nữa.

Điều quan trọng nhất để làm nên một thủ đô xanh là lượng cây xanh tổng thể trong đô thị ấy có đủ cung cấp ô-xy và bóng mát cho người dân không? Thành phố Hà Nội mở rộng nhưng điều thiết yếu của cuộc sống lại bé lại. Người tăng lên, xe cơ giới tăng thêm mà cây xanh mất đi thì môi trường sống chắc chắn chỉ có thể trở nên tồi tệ đi. Tôi sẽ ủng hộ việc thay thế cây nếu như làm một cách bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch. Cách làm hiện nay chỉ khiến người ta cảm thấy tiếc nuối và họ không tin tưởng lắm vào dự án thay cây mới ấy. Tôi đau đáu tự hỏi Hà Nội bây giờ còn gì ngoài bê tông sau khi những cái cây gục ngã?”.

LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI – CẦN XEM XÉT AI ĐÃ THAM MƯU CHẶT 6.700 CÂY:

“Tại khoản 1, Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị có quy định điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: cây đã chết, đổ gãy, có nguy cơ gãy đổ nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi, không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Chúng tôi nhận thấy nhiều cây xanh bị đốn hạ là trái luật, không thuộc trường hợp đã dẫn trên. Tại sao phải chặt hạ dồn dập, đặc biệt ở đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nguyễn Trãi? Phải chăng chỉ vì muốn giải ngân sớm kinh phí chặt hạ (khoảng 10 triệu đồng/ cây)? Đường tàu điện trên cao ở đường Nguyễn Trãi phải nhiều năm nữa mới xong, tại sao không tiến hành hạ cây chỉ vài tháng trước khi công trình này chính thức vận hành và có nhất thiết hạ hết cây không? Cây mới thay thế có phù hợp đô thị Hà Nội không? Nếu không phù hợp giải quyết thế nào? Việc chặt hạ có được đấu thầu không và nếu có diễn ra thế nào? Số cây bị chặt hạ được đấu giá thế nào, trong đó có cây sưa trị giá đặc biệt cao không?

Tôi cho rằng cần phải xem xét xử lý những người đã tham mưu sai cho chính quyền phê duyệt chương trình này. Chúng tôi sẽ kiên trì theo dõi việc giải quyết của các cơ quan chức năng”.

KIẾN NGHỊ THANH TRA CHÍNH PHỦ

Chiều 23–3, hội thảo Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư. GS. Nguyễn Lân Dũng đã xót xa ví đề án chặt 6.700 cây – 1/7 số cây ở Hà Nội không khác nào cái đầu tự dưng bị rụng tóc 1/7: “Như vậy sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo, môi trường của Hà Nội. Hà Nội không thèm quan tâm đến ý kiến của nhà khoa học, nhân dân trong việc thay thế cây xanh. Đây là điều quá khó hiểu và đau xót! Bức xúc việc chặt hạ hàng loạt cây xanh này không chỉ của người dân Hà Nội mà còn là của nhân dân cả nước. Báo chí trong nước và truyền thông quốc tế cũng lên tiếng về vụ việc này. Hà Nội nói đây không phải “chiến dịch” nhưng rõ ràng là một chiến dịch và nhanh hơn cả lâm tặc theo ngôn ngữ được lan truyền trên mạng những ngày này. Chiến dịch này đã vi phạm Luật Thủ đô và Điều 14 Nghị định 64. Cây xà cừ chỉ có một số cây cần trồng lại chứ không phải tất cả, vì trước đây có một cơn bão lớn vào Hà Nội cũng chỉ bị đổ hai cây xà cừ. Cây sống trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khó khăn như ở thủ đô, bệnh là chuyện bình thường. Cũng giống như người, có bệnh thì phải chữa, phải cứu, chứ không thể bệnh là “chôn” luôn được. Theo tôi, không thể để cho Hà Nội tự thanh tra mà phải do Thanh tra chính phủ chủ trì”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại hội thảo

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại hội thảo

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua