Ngoài nhiệm vụ giúp bạn nếm món ăn ngon, lưỡi còn là cửa ngỏ biểu hiện các triệu chứng của bệnh tiềm ẩn khác nhau. Thế nhưng, lưỡi vẫn là một bộ phận hay bị bỏ quên và ít được quan tâm làm sạch. Để đoán sức khỏe qua lưỡi, bạn có thể le ra và quan sát trong gương. Dưới đây là 10 triệu chứng thường xuất hiện trên lưỡi.
1. Lưỡi có lớp dày, màu vàng
Việc vệ sinh răng miệng kém, thở bằng miệng quá nhiều và sốt là nguyên nhân phổ biến gây vi khuẩn quá nhiều dẫn đến tình trạng này. Cách giải quyết là bạn chỉ cần vệ sinh răng miệng đúng cách.
Tuy nhiên, lưỡi có lớp màu vàng cũng là dấu hiệu báo hiệu đột quỵ ở một số bệnh nhân tim. Theo một nghiên cứu năm 2001, trong số 378 bệnh nhân đột quỵ, bên cạnh những triệu chứng khác, có 214 trường hợp xuất hiện lớp dày màu vàng trên lưỡi. Do đó, nếu đang bị bệnh tim và lưỡi có màu vàng, bạn nên cẩn trọng và đi khám ngay để được tư vấn.
2. Lưỡi có lớp kem trắng
Nhìn lưỡi có một lớp màu trắng, giống phô-mai, bạn có thể đoán sức khỏe qua lưỡi. Đây là triệu chứng phổ biến do lưỡi nhiễm nấm candida, xảy ra ở người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và người suy giảm hệ miễn dịch.
Nguyên nhân gây nhiễm nấm trên lưỡi thường do một số loại thuốc (thuốc tránh thai và thuốc kháng sinh), béo phì hoặc tình trạng sức khỏe (hệ miễn dịch yếu, bệnh vẩy nến, tiểu đường). Khi được điều trị đúng cách, người bị nhiễm nấm candida sẽ nhanh khỏi nhưng cũng có trường hợp nhiễm candida mạn tính tồn tại nhiều năm. Điều này cho thấy người nhiễm nấm mắc bệnh tiềm ẩn khiến hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng như HIV hoặc bệnh bạch cầu.
3. Lưỡi đỏ tươi
Lưỡi của một người khỏe mạnh thường có màu hồng. Khi lưỡi màu đỏ tươi, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, Kawasaki, ban đỏ.
Lưỡi đỏ là một triệu chứng của thiếu vitamin B12. Cơ thể cần vitamin B12 để tạo tế bào hồng cầu. Nếu thiếu vitamin B12 có thể gây mệt mỏi và thiếu máu. Còn Kawasaki là bệnh viêm mạch máu cấp tính, phổ biến ở trẻ 2 – 5 tuổi.
Ban đỏ là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do liên cầu khuẩn tan máu gây nên, có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng phổ biến nhất là trẻ từ 5 – 12 tuổi. Theo một báo cáo năm 2007, trong số 45 bệnh nhân bị ban đỏ, 30 bệnh nhân có dấu hiệu lưỡi đỏ tươi.
4. Lưỡi tím
Lưỡi tím nhìn giống như bạn vừa ngậm kẹo mút nho là dấu hiệu tiết lộ nhiều điều về sức khỏe của bạn. Đây là dấu hiệu của tuần hoàn kém, lưu lượng máu bị cản trở ở lưỡi, tăng cân, bệnh động mạch, cục máu đông, tiểu đường…
5. Lưỡi mịn bất thường
Bình thường lưỡi có nhiều gai nhỏ trên bề mặt. Vì vậy, khi thấy toàn lưỡi hoặc từng mảng trên lưỡi mịn (không thấy gai), đây là dấu hiệu bất thường, có thể bị viêm teo lưỡi, kèm theo đau, nóng rát.
Nguyên nhân gây viêm teo lưỡi là do thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Trong một nghiên cứu năm 2012 với 176 bệnh nhân viêm teo lưỡi, có 47 người thiếu sắt, 39 người thiếu hemoglobin, 13 người thiếu vitamin B12 và 3 người thiếu a-xít folic.
6. Lưỡi nóng rát
Nếu có cảm giác nóng trong miệng, đặc biệt là trên lưỡi, bạn có thể mắc hội chứng rát miệng (bệnh đau lưỡi). Ngoài cảm giác nóng rát, bạn còn có thể ngứa, khô miệng, vị giác thay đổi.
Hội chứng rát miệng xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Nếu đang trong thời kỳ mãn kinh và có dấu hiệu này, bạn hãy kiểm tra lại xem có phải do bị mất cân bằng hormone không. Nếu đúng, nhờ bác sỹ tư vấn cách cân bằng hormone để giúp cải thiện tình hình. Ngoài ra, hội chứng rát miệng còn có thể do dị ứng một loại thức ăn, khô miệng hoặc rối loạn viêm miệng…
7. Lưỡi có chỗ sưng không đau
Một vết sưng không đau xuất hiện ở cạnh lưỡi sẽ biến mất trong khoảng hai tuần, nhưng nếu vết sưng tồn tại lâu hơn, đây có thể là dấu hiệu sớm của ung thư miệng. Vết sưng này nhỏ và có màu trắng hoặc đỏ khiến bạn khó khăn trong việc sử dụng lưỡi nhiều hoặc nuốt. Nếu hút thuốc thường xuyên, bạn cần chú ý đến triệu chứng dường như vô hại này.
8. Lưỡi có vết loét
Vết loét trong miệng thường nhỏ, xuất hiện ở mặt trong của má và mặt dưới lưỡi, gây đau lưỡi. Thông thường, đây có thể là kết quả của việc ăn những thức ăn cứng và sắc hay vô tình cắn vào lưỡi. Nếu vết loét không do các nguyên nhân trên và tồn tại lâu hơn vài tuần, dấu hiệu này có thể là do căng thẳng, lo lắng hoặc mất cân bằng nội tiết tố.
9. Lưỡi đen và có lông
Thấy lưỡi đen và có lông, bạn có thể vô cùng hoảng sợ. Thế nhưng, đây là một dấu hiệu vô hại, tiết lộ nhiều về tình trạng vệ sinh răng miệng, lối sống và thói quen ăn uống. Hút thuốc quá nhiều và vệ sinh răng miệng kém có thể gây ra tình trạng này. Một nguyên nhân gây tích tụ lông trên lưỡi là do không cạo bề mặt trên của lưỡi gây tích tụ keratin (một loại protein tương tự giúp tóc mọc).
10. Lưỡi nứt
Bạn muốn đoán sức khỏe qua lưỡi có những vết nứt trên bề mặt nhưng không gây đau? Thật ra, đây là một tình trạng phổ biến xảy ra ở người lớn tuổi, bị lão hóa hay mắc một bệnh tiềm ẩn. 6 – 20% bệnh nhân vẩy nến (một rối loạn da tự miễn), có triệu chứng nứt ở lưỡi.
Bài: Vi Cao
Ảnh: top10homeremedies.com
Tiếp Thị Gia Đình