Tới các quán ăn, vào các tiệm cà-phê từ bình dân đến cao cấp, đâu đâu bạn cũng thấy đủ các loại nước giải khát có đường, từ nước uống có ga đến không ga, từ nước trái cây đến các loại nước tăng lực.. Trước sức cám dỗ đó, bạn sẽ yêu chiều bản thân hay cố ngoảnh mặt làm ngơ và kìm nén cơn hảo ngọt của mình bằng cách chọn đồ uống không đường?
Tiêu thụ đồ uống không đường làm bạn thèm ăn hơn
Các loại đồ uống không đường quả thực rất hấp dẫn vì khiến bạn an tâm khi vẫn có thể thưởng thức loại nước uống mình yêu thích mà không sợ nạp thêm đường vào cơ thể. Các thức uống này thường thay thế đường bằng chất tạo ngọt nhân tạo như sucralose nhằm giúp bạn giảm lượng calo tiêu thụ.
Ông Gavin Partington, Tổng giám đốc của Hiệp hội Nước giải khát Anh quốc, cho biết: “Nhiều thập kỷ qua, các thử nghiệm lâm sàng trên con người đã cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có hàm lượng calorie thấp, chẳng hạn như chất có trong thức uống dành cho người ăn kiêng (diet drink). Đây là các sản phẩm giúp người tiêu thụ kiểm soát lượng calorie của mình khi thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh”.
Một số người tiêu dùng hiện nay còn tiêu thụ các chất làm ngọt nhân tạo này trong đồ uống không đường như một công cụ để điều trị béo phì.
Thế nhưng, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney, Úc, đã cho ruồi giấm và chuột thử nghiệm chế độ ăn chứa chất tạo ngọt sucralose thay thế cho đường và cho ra kết quả bất ngờ. Với chế độ ăn uống không đường, ruồi giấm và chuột đã ăn nhiều hơn 30% so với bình thường.
“Sau khi cho đối tượng nghiên cứu thực hiện chế độ ăn uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo sucralose, chúng tôi nhận thấy chúng bắt đầu ăn nhiều hơn”, Phó giáo sư Greg Neely, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.
Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích: mặc dù có khả năng giảm bớt lượng calorie nhưng đồ uống không đường lại không kích hoạt tối ưu phần trung khu tưởng thưởng trong não bộ, nơi có nhiệm vụ quy định về cảm giác no đủ, thỏa mãn của cơ thể sau khi ăn, uống. Tại khu vực não bộ này, vị ngọt được đánh đồng với mức độ năng lượng bạn nạp vào cơ thể. Nếu não bộ cảm thấy không đủ ngọt, đồng nghĩa với cảm giác thiếu năng lượng. Khi đó, não sẽ phát các tín hiệu kích thích cảm giác đói để yêu cầu bạn nạp thêm năng lượng cho cơ thể. Đó chính là lý do sâu xa khiến bạn ăn nhiều hơn sau khi kết thân với các loại thực phẩm không đường và cấm cửa toàn bộ đồ ăn thức uống chứa đường.
Sử dụng đồ uống có đường chừng mực
Mặc dù nghiên cứu trên chỉ được thực hiện trên chất tạo ngọt sucralose, nhưng theo các nhà nghiên cứu, tác động ngược khó tin này có thể xảy ra tương tự với các chất làm ngọt nhân tạo khác. Không chỉ kích thích bạn ăn nhiều hơn, các chất làm ngọt nhân tạo còn có thể kích thích chứng hiếu động thái quá, khiến bạn mất ngủ và chất lượng giấc ngủ cũng bị giảm.
Đến đây, có lẽ bạn sẽ không còn quá khắt khe với bản thân nữa. Tốt nhất, bạn hãy chọn cách tiêu thụ thức uống có đường ở mức phù hợp hơn là nói không hoàn toàn với chúng. Bạn có thể uống một chút nước giải khát, ăn vài loại đồ ăn nhẹ có vị ngọt nhưng hãy nhìn vào nhãn mác sản phẩm để đảm bảo rằng tổng lượng đường bạn tiêu thụ từ chúng không vượt quá khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ theo thông tin tham khảo dưới đây:
Nam giới:
37,5g hoặc 9 muỗng cà-phê đường, tương đương với mức độ tiêu thụ không vượt quá 150 calorie từ đường mỗi ngày.
Phụ nữ:
25g hoặc 6 muỗng cà-phê đường, tương đương với mức độ tiêu thụ không vượt quá 100 calorie từ đường mỗi ngày.
Bài: Nguyễn Xoa
Tiếp Thị Gia Đình