Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu kết hợp đo nhịp tim. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn và có thể phát hiện nhanh những thay đổi nhỏ về nồng độ oxy trong máu. Nó hoạt động bằng cách gửi một chùm sóng ánh sáng vào mao mạch trên đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai. Sự thay đổi trong việc hấp thu ánh sáng cho biết kết quả nồng độ oxy trong máu.
Máy đo oxy khá nhỏ gọn, có hình dạng tương tự như một chiếc kẹp. Cùng với nhiệt kế và máy đo huyết áp, máy đo oxy cũng là thiết bị y tế nên có sẵn trong gia đình. Hiện nay, các sản phẩm đồng hồ thông minh (smart watch) thế hệ mới cũng có thể đo SpO2.
Mục đích sử dụng của máy
Mục đích của đo nồng độ oxy là kiểm tra máu của bạn có được cung cấp oxy tốt hay không. Chuyên gia y tế sử dụng máy này để theo dõi các tình trạng ảnh hưởng đến nồng độ oxy trong máu. Cụ thể là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi, thiếu máu, đau tim, suy tim hoặc bệnh tim bẩm sinh.
Các bác sĩ cũng sử dụng phương pháp đo nồng độ oxy trong máu cho một số mục đích khác. Đơn cử như kiểm tra động lực học của thuốc, cân nhắc trợ thở bằng máy cho bệnh nhân, theo dõi nồng độ oxy trong hoặc sau khi phẫu thuật có gây mê, đánh giá khả năng chịu đựng của một người nào đó khi tăng cường hoạt động thể chất…
Kết quả đo độ bão hòa oxy trong máu cho biết điều gì?
Chỉ số SpO2 được biểu thị bằng %. Nếu máy cho kết quả 97% nghĩa là mỗi tế bào hồng cầu được tạo ra bởi 97% hemoglobin chứa oxy và 3% hemoglobin không chứa oxy. Giá trị SpO2 bình thường của người khỏe mạnh sẽ dao động ở mức 95 – 100%. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng máu thiếu oxy.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, mức 92% hoặc thấp hơn cho thấy tình trạng thiếu oxy máu rất nghiêm trọng, suy hô hấp. Nếu dưới 90% là biểu hiện của một ca cấp cứu trên lâm sàng.
Việc theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên vô cùng cần thiết, đặc biệt trong quá trình luyện tập cường độ cao hay với những người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp, hen suyễn.
Ngoài ra, đo SpO2 là điều nên làm với người yêu thích leo núi, thám hiểm. Càng lên cao, lượng oxy cơ thể hít vào càng ít. Lúc này người dùng có thể theo dõi giá trị SpO2 để ra quyết định đi tiếp hoặc trở về để đảm bảo an toàn.
Yếu tố có thể làm lệch kết quả
Độ sai lệch của thiết bị đo (thường là ± 2%).
Hemoglobin bất thường.
Bệnh nhân cử động mạnh khi đo.
Tình trạng giảm tưới máu mô do choáng, sử dụng thuốc gây co mạch hoặc hạ thân nhiệt.
Nhiễu ánh sáng trong phòng khi đo.
Sắc độ của móng tay, móng chân nếu sử dụng dụng cụ đo SpO2 bằng cách kẹp vào đầu ngón tay, ngón chân.
Màu da đen cũng tăng khả năng sai lệch kết quả đo gấp 3 lần so với màu da trắng.
Sử dụng máy đo độ bão hòa oxy trong máu đúng cách
Trước tiên, cần loại bỏ bất kỳ đồ trang sức hoặc sơn móng tay trên ngón tay của bạn nếu đo ở vị trí này. Kế đến, đặt thiết bị vào vị trí cần đo, giữ yên trong thời gian nhất định để máy theo dõi chính xác mạch và độ bão hòa oxy của bạn. Tháo thiết bị sau khi quá trình kiểm tra kết thúc.
Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình