Cứ khoảng 1/1.000 trẻ sơ sinh bị dị tật này. Trong đó, 50% trẻ bị cả hai chân và bé trai bị nhiều hơn bé gái. Như vậy, mỗi năm ước tính trên thế giới có hơn 100.000 trẻ sinh ra có bàn chân khoèo bẩm sinh. 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Điều đáng buồn là đa số trẻ không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
Điều trị bàn chân khoèo nếu được thực hiện sớm và đúng cách, trẻ có thể bước đi gần như bình thường, chỉ hạn chế nhẹ về vận động. Có thể bắt đầu điều trị từ 1 – 2 tuần sau sinh. Lúc này, xương khớp trẻ rất linh hoạt, các dây chằng cũng như bao khớp và các gân đều mềm dẻo để thay đổi hình dạng và cơ năng của bàn chân trước khi trẻ tập đi. Nếu không được điều trị, trẻ sẽ không đi đứng được bình thường, gây tàn tật thể chất, ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý của trẻ, làm giảm cơ hội học hành và làm việc của trẻ về sau.
Các biến dạng chính của bàn chân khoèo bao gồm:
• Co rút gân gót (equinus).
• Bàn chân trước khép vào bên trong (varus).
• Xoay trong và lật ngửa bàn chân (adductus and medial rotation).
PHÁT HIỆN BÀN CHÂN KHOÈO THẾ NÀO?
Chẩn đoán bàn chân khoèo không khó vì bạn có thể dễ dàng quan sát trẻ ngay sau sinh. Trong quá trình mang thai, nếu bạn có đi khám và siêu âm thai định kỳ thì hoàn toàn có thể phát hiện dị tật bàn chân khoèo vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ.
ĐIỀU TRỊ BÀN CHÂN KHOÈO SAO ĐỂ ĐẠT HIỆU QUẢ?
• Nếu không được điều trị sớm sẽ gây biến dạng nặng nề cho bàn chân, đòi hỏi phải phẫu thuật rất phức tạp mà kết quả lại không tốt.
• Việc điều trị bàn chân khoèo sớm, bắt đầu ngay sau sinh với kỹ thuật của Ponseti (Ignacio Ponseti là một bác sỹ người Mỹ đã dành trọn cuộc đời để phát triển kỹ thuật bó bột điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh) là phương pháp rất hiệu quả, ít tốn kém đã góp phần thay đổi hẳn tiên lượng cho dị tật này, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
• Vì vậy, nếu có con bị bàn chân khoèo bẩm sinh, bạn nên đưa bé đến chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tại các bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị sớm bằng phương pháp bó bột để đạt kết quả tốt, tránh các cuộc phẫu thuật về sau.
CÁCH NÀO ĐỂ PHÒNG TRÁNH BÀN CHÂN KHOÈO?
Để phòng bàn chân khoèo, người mẹ khi có thai cần chú ý:
• Không hút thuốc và tránh khói thuốc
• Không uống rượu;
• Không dùng các thuốc không được chỉ định của thầy thuốc.
Nếu phát hiện bàn chân khoèo, cần cho con đi thăm khám và chữa trị càng sớm càng tốt.
ĐỊA CHỈ KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ BÀN CHÂN KHOÈO CHO TRẺ
• Hà Nội: Bệnh viện Nhi Trung ương (18/879 La Thành, Đống Đa), Bệnh viện Việt Đức (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm)
• Đà Nẵng: Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng (95 Quang Trung, Q. Hải Châu)
• TP. HCM: Bệnh viện Đại học Y Dược, 215 Hồng Bàng, P. 11, Q. 5.
ThS–BS. NGUYỄN THÀNH NHÂN, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
Mục Sức khoẻ / Tiếp Thị Gia Đình